'Vỡ trận' ngành cá tra

Ngành cá tra đang rơi vào thế “vỡ trận” khi nông dân nuôi thua lỗ lần lượt treo ao, còn doanh nghiệp (DN) đang “mùa gặt hái” khi giá cá xuất khẩu lên cao thì đói vốn, thiếu nguyên liệu, hoạt động cầm chừng.

Khủng hoảng kép

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), dù đã vào chính “mùa gặt” với người nuôi và giá cá tra treo ở mức cao, 23.000-24.000 đồng/kg, nhưng người nuôi cá lại không còn nguồn để bán trong khi DN không tìm được mối mua.

Do thiếu cá, nhiều DN phải mua vét cả “cá còi” loại 0,75 kg/con trở xuống. Doanh nghiệp nào may mắn mua được cá tiêu chuẩn 0,8-1 kg/con coi như trúng mánh. Số liệu cho thấy, nguồn cá do DN nuôi chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep nói: “Nhìn thoáng qua, sẽ thấy DN chế biến đang hoạt động không nghỉ, nhưng thực tế đang “đắp chiếu” bên trong. Trước đây một ngày sản xuất 100 tấn, nay chỉ 20-30 tấn, làm cầm chừng trong thời gian ngắn. Con số có thể vẽ ra được nhưng nguyên liệu hàng ngày không thể đẻ ra được”.

Theo ông, hiện cá đang bắt là của năm ngoái, còn năm 2013 rất ít, có chăng chỉ một ít được thả vào quý I/2013. Nguồn cá được người dân thả vào quý II phải chờ vào năm 2014 mới thu hoạch được. Do vậy, ngành cá tra đang thiếu nguyên liệu kép. Điều này dẫn đến việc DN đua nhau mua vét cá, còn người dân phải bán “lúa non” lứa cá nhỏ.

“Cứ tình trạng “bắt 10 thả 8”, đương nhiên sản lượng năm sau sẽ khan hiếm hơn. Khi đó tình hình sẽ rất khó đoán định. Nói chính xác là ngành cá tra đang vỡ trận”, ông Minh nói.

Câu chuyện quy hoạch, khai thác cá tra một cách bài bản được đặt ra từ nhiều năm nay, nhất là khi cá tra phát triển nóng giai đoạn 2010-2011. Xuất khẩu năm 2010 chỉ 1,1 tỷ USD, nhưng sang 2011 nhảy lên 1,8 tỷ USD và năm 2012 vẫn duy trì mức này.

Theo ông, “điểm nút” khiến cá tra lao đao như hiện nay là việc thắt chặt tín dụng cuối năm 2011. Từ đó, ảnh hưởng đến lãi suất, giá thành nuôi cá cao, thậm chí bị DN chiếm dụng vốn, nên nông dân bị lỗ liên tục từ 2012-2013, dẫn đến việc đua nhau “treo ao” hàng loạt.

Theo lãnh đạo Vasep, trước đây, cả nước 1,2 triệu tấn cá, cơ cấu DN chiếm 70%, nông dân nuôi 30%. Tuy nhiên, sản lượng cả nước năm nay chỉ 800.000-900.000 tấn. Sản lượng cá của DN và trong dân đều giảm mạnh, phía DN giảm nhiều hơn nông dân. Do nguyên liệu ít, nên dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay chỉ đạt 1,5-1,6 tỷ USD.

'Vỡ trận' ngành cá tra - 1

Giá cá tra lên cao, nhưng dân không còn cá để bán, nguy cơ thiếu nguyên liệu kéo sang năm 2014. Ảnh: Nam Phương.

Tìm lại niềm tin

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành cá tra đang rơi vào thời điểm xấu, khó khăn nhất từ trước tới nay. Ở thị trường xuất khẩu, giá cá, sức mua đều giảm và phải đối mặt với việc Mỹ kiện chống bán phá giá. Còn trong nước, người nuôi mất niềm tin với DN, nuôi lỗ liên tiếp, cạn sức, cạn vốn. “Ngay cả giá cá tra đang lên 23.000-24.000 đồng/kg, người nuôi có lãi nhưng chưa chắc dân đã dám vào ao do không còn vốn, giá cá lên, xuống...khó lường”.

Ông Tuấn cho rằng, với chính sách vốn hiện tại, người nuôi gặp nhiều khó khăn, vì họ còn dính nợ xấu cũ, nên không vay được vốn mới. Trong nghị định về cá tra sắp tới, sẽ đặt ra vấn đề quy hoạch gắn với thị trường. Việc xây dựng hệ thống thông tin về thực trạng sản xuất, tiêu thụ, thị trường... có tính tin cậy cao để phục vụ chỉ đạo điều hành lại đang rất yếu.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, nghị định về cá tra sắp tới, vấn đề hàm lượng nước trong cá tra sẽ khắt khe hơn. Khi đó không phải DN nào cũng xuất khẩu được. “Các DN tham gia vào ngành cá tra, cũng cần chia sẻ lợi ích, đặc biệt là với người nuôi, làm sao để người nuôi lấy lại lòng tin. Khi không còn sức để chơi với anh nữa, thì một mình anh cũng khó sống”, ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Vasep cũng cho rằng, về nguyên tắc, phải đi theo hướng có lợi nhất cho nông dân. Người dân chỉ an tâm đầu tư khi bản hợp đồng của DN đảm bảo quyền lợi cho họ. Nếu người nuôi cá cảm thấy không yên tâm, chắc chắn họ không đầu tư. Giá cả cũng phải theo thị trường, không được ép dân.

Từ tháng 5-7/2013, trong 3 tháng người nuôi cá tra thịt lỗ bình quân 3-4 nghìn đồng/kg, người nuôi cá giống lỗ 10 nghìn/kg. Thời điểm tháng 5- 6 vừa rồi, 1 kg giống giá chỉ 15-16 nghìn đồng, nhưng hiện giống cũng phải 28-30 nghìn đồng/kg (50 con 1kg). Giá cá giống bán lỗ, nên sản lượng bán ra thị trường cũng giảm tới 50%. Từ nay đến tháng 4/2014, giống không sản xuất được mà cứ thu hoạch cá thịt, năm sau sẽ thiếu hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN