Vỡ mộng cá tra: Đã bị nợ còn bị chiếm dụng vốn

Con cá tra đã từng một thời đem về hàng tỷ USD cho ngành thủy sản nước nhà, mang lại sự giàu có cho rất nhiều người dân ở ĐBSCL. Thế nhưng, cũng con cá đấy, giờ đây nhiều người nuôi lại trở thành con nợ lớn…

Thời gian qua, hiện tượng doanh nghiệp chế biến kéo dài thời gian trả tiền mua cá, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến. Ngay cả những hộ nuôi cá theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số doanh nghiệp nợ, thậm chí chây ỳ không chịu trả tiền mua cá.

Chủ nợ thành… bị can 

Trong số hàng trăm người nuôi cá bị các nhà máy thủy sản chiếm dụng vốn, nợ dây dưa kéo dài, thậm chí “quỵt” không trả, trường hợp của bà Phạm Thị Mai ở quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ có lẽ bi đát nhất. Bà Mai cũng từng là người “tiên phong” khởi kiện Công ty Thủy sản Bình An ra tòa để đòi nợ tiền cá với số tiền hàng chục tỷ đồng. “Mất sạch hết rồi mấy chú ơi, tài sản trong nhà không còn một thứ gì, tất cả đều bị chủ nợ xiết sạch sành sanh. Các doanh nghiệp mua cá không trả tiền, tôi hiện lâm vào cảnh tay trắng, khổ nỗi còn bị vướng vào vòng lao lý” – bà Mai ngậm ngùi nói.

Vỡ mộng cá tra: Đã bị nợ còn bị chiếm dụng vốn - 1

Chỉ bán được cá với giá thấp, bị doanh nghiệp nợ tiền... là tình cảnh nhiều ND ở ĐBSCL phải gánh chịu (ảnh minh họa).

Sở dĩ bà Mai lâm vào cảnh trên, xuất phát từ năm 2009, khi bà bán hơn 33 tấn cá tra với trị giá gần 5 tỷ đồng cho Doanh nghiệp Vạn Hưng ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, do bà Huỳnh Dù Táng làm Giám đốc. Sau nhiều lần thanh toán, cuối năm 2010, Vạn Hưng vẫn còn nợ bà hơn 1,6 tỷ đồng. Do không thanh toán được nợ, tới tháng 1.2011, bà Mai mua lại Doanh nghiệp Vạn Hưng và tiền nợ được chuyển thành tiền đặt cọc.

Theo thỏa thuận, một tháng sau tài sản phải sang tên cho người mua, nhưng bà Táng được cho là cố tình lẩn tránh, không bàn giao nhà máy. Cuối tháng 2.2011, bà Mai cho người đến Vạn Hưng lấy nhiều tài sản trị giá hơn một tỷ đồng. Trong số này có máy phát điện, những người được thuê đến đã đập tường để đưa ra ngoài. Sau đó Doanh nghiệp Vạn Hưng đã có đơn tố cáo bà Mai ra tòa và nửa năm trước TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Phạm Thị Mai 7 năm 6 tháng tù về tội “cưỡng đoạt tài sản” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Do bà Mai bệnh nặng, nhiều lần ngất xỉu tại tòa nên Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định cho bị cáo tại ngoại để chữa bệnh.

Mới đây, ngày 26.9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại vụ “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại Doanh nghiệp Thủy sản Vạn Hưng. “Tôi chỉ mong sao tòa xử đúng người đúng tội, sớm trả lại danh dự và sự công bằng cho tôi. Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là sớm nhận được tiền từ các doanh nghiệp mua cá còn nợ để tôi trả nợ cho ngân hàng, đại lý thức ăn, tiền vay nóng bên ngoài. Trước đây, cũng nhờ con cá tra mà gia đình tôi khá giả, nay cũng vì con cá tra mà tôi lâm vào hoàn cảnh tán gia bại sản”– bà Mai buồn bã nói.

Nông dân còng lưng trả lãi thay doanh nghiệp

Trường hợp của bà Mai hiện không phải là hiếm đối với những người làm nghề nuôi cá tra. Ông Nguyễn Ngọc Hải- Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, TP.Cần Thơ bức xúc: “Nông dân nuôi cá đang chịu thiệt thòi nhiều nhất. Chúng tôi bán cá tra “chịu” cho doanh nghiệp, có những doanh nghiệp nợ tiền cá của nông dân cả năm trời chưa trả”. 

Theo ông Hải, đây là hình thức chiếm dụng vốn có tính toán, nông dân còng lưng nuôi cá trả lãi ngân hàng thay cho doanh nghiệp. Là một người nuôi cá lâu năm, anh Nguyễn Văn Hùng ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ cũng bức xúc nói: “Doanh nghiệp lúc nào cũng ở thế kèo trên, những người nuôi cá như chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào họ, không biết lúc nào bị họ “bẻ kèo”. Người nuôi cá tra chẳng khác nào như… cá nằm trên thớt”.

Ông Dương Ngọc Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) giải thích: “Sở dĩ có chuyện này là do tình trạng… nợ dây chuyền quá nhiều. Doanh nghiệp mua cá nợ tiền của nông dân, rồi bán nợ cho nhà nhập khẩu. Nếu vay ngân hàng, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, trả lãi, còn vay của nông dân (hình thức nợ tiền cá) thì không phải thế chấp, không chịu lãi nên doanh nghiệp sẵn sàng bán giá thấp, nợ chây ỳ...”. Nông dân thiếu kiến thức pháp lý

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, các tổ chức tập hợp người sản xuất khả năng đứng ra bảo vệ là rất yếu trong các cuộc giải quyết tranh chấp. Mặt khác, các trung tâm khuyến công và khuyến nông chỉ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, đào tạo nghề, không có hoạt động đào tạo và tư vấn về pháp lý, nhất là định hướng thương mại theo mua bán thông qua hợp đồng.

Ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, có một tình trạng phổ biến đang xảy ra hiện nay là, doanh nghiệp chế biến nợ (tiền cá) của nông dân, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho nhà nhập khẩu nước ngoài nợ; tình trạng đổ lỗi cho nhau thường xuyên đang xảy ra...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Khánh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN