Vợ chồng ngày đêm "xe chỉ luồn kim" kiếm 200 triệu/năm từ đệm bông
Những tấm đệm bông gạo sặc sỡ, được làm thủ công rất cẩn thận, êm ái trở thành sự lựa chọn cho nhiều người dân khi đông về. Cũng nhờ nghề làm đệm bông gạo này, mà vợ chồng bà Lò Thị Thoa (59 tuổi) và ông Đèo Văn Minh (60 tuổi) ở tổ 4, phường Chiềng Cơi (TP.Sơn La) có của ăn của để. Mỗi năm ông bà có thể kiếm gần hai trăm triệu từ nghề này.
Từng là công nhân của một xưởng dệt ở thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La), năm 2004 sau khi về nghỉ mất sức, hai vợ chồng bà Thoa quyết định quay về thành phố Sơn La mở cửa hàng làm đệm bông gạo theo yêu cầu của khách.
Bà Thoa thuê một cửa hàng nhỏ ở đường Nguyễn Lương Bằng – nơi tập trung đông dân cư và nhiều người qua lại để lấy chỗ làm đệm và trưng bày sản phẩm. Bà chọn mua bông gạo, loại bông màu trắng phau, mềm mịn và sạch sẽ để làm nguyên liệu chính nhồi vào đệm. Vải để may đệm là những thước vải thổ cẩm sặc sỡ theo phong cách truyền thống của người Thái.
Bà Thoa cho biết người dân vùng cao thường có thói quen nằm đệm quanh năm nên họ thích các loại đệm êm ái, nằm không bị đau lưng và phải có độ bền cao. Nhờ đáp ứng được các yêu cầu đó nên đệm bông gạo của nhà bà được khách hàng ưa thích và nhiều người biết đến.
Bà Thoa chia sẻ: “Từ ngày bé, con gái Thái chúng tôi đã phải học thêu thùa may vá. Những ai chăm chỉ, khéo tay, may đẹp sẽ được rất nhiều người yêu mến. Kĩ năng may đệm của tôi là do bố mẹ chỉ dạy và kinh nghiệm có được khi làm công nhân ở xưởng dệt.”
Vừa trò chuyện với phóng viên, bà Thoa vừa tranh thủ nhồi bông, còn ông Minh thì cẩn thận khâu viền đệm . Đôi bàn tay gầy gò thô ráp liên tục “biểu diễn” trên những sợi bông trắng ngần. Toàn bộ công đoạn làm đệm đều tự tay ông bà đảm nhận mà không thuê thêm người ngoài vì sợ họ làm ẩu không theo ý mình.
Sau khi cắt 2 khổ vải thành hình chữ nhật theo kích thước của giường, bà Thoa may kín 3 mép. Sau đó bà dùng một cái thanh nhựa nhằm cố định mặt vải phía dưới và một cái gậy tre để đẩy bông vào thân đệm.
Ông Minh cẩn thận khâu từng đường kim mũi chỉ để những sợi bông không bị lọt ra ngoài, đảm bảo độ chắc chắn cho tấm đệm.
Nhờ được nhồi đều tay nên những tấm đệm của bà rất bằng phẳng, có độ dày đồng đều, tạo cảm giác êm ái khi sử dụng. "Đệm bông gạo rất bền, có thể dùng khoảng 10 năm vẫn không hỏng, chỉ bị cũ và đen bông thôi. Đến lúc đấy chỉ cần mở đệm ra làm lại là thành đệm mới ngay” Bà Thoa cho biết thêm.
Những tấm đệm được cuộn tròn rồi bọc ni lông chống bụi trước khi giao cho khách
Nhờ làm đẹp và cẩn thận nên các sản phẩm về bông gạo của nhà bà Thoa, như: Đệm nằm, đệm ghế ngồi, gối đầu... được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Khác với các loại đệm công nghiệp được tính tiền theo chiếc, đệm của nhà bà Thoa được tính tiền theo cân nặng của bông, đệm càng to càng nặng thì số tiền cũng nhiều hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bà Thoa còn sáng tạo ra loại đệm gấp, có thể thu nhỏ gọn gàng khi không sử dụng. Với giá bán giao động từ 120.000 đồng – 150.000 đồng/kg, trung bình một chiếc đệm có giá khoảng 2.500.000 đồng trở lên.
Bà Thoa nhẩm tính, trừ hết chi phí thì mỗi ngày hai vợ chồng bà cũng kiếm được khoảng 600.000 đồng tiền công. Số tiền này giúp ông bà có cuộc sống thoải mái và nuôi ba cậu con trai trưởng thành, có gia đình riêng.
Những tấm đệm ngồi, đệm nằm có họa tiết thổ cẩm sặc sỡ bắt mắt còn được nhiều khách hàng ở miền xuôi ưa dùng. Đệm nhà bà Thoa, ông Minh thường được rong ruổi trên những chiếc ô tô đi đến mọi miền.
Mỗi ngày trôi qua, bà Thoa vẫn miệt mài với từng sợi bông tấm vải, còn ông Minh lẳng lặng ngồi xỏ kim, may viền đệm, thỉnh thoảng lại thấy ông rong ruổi trên những con phố nhỏ giao hàng cho khách. “Gần 40 năm nay chúng tôi gắn bó với cái nghề “bụi bặm” này, một phần là để kiếm thu nhập phần khác là để lưu giữ những nét văn hóa trong sinh hoạt của cộng đồng người Thái chúng tôi. Chỉ cần còn sức khỏe thì chúng tôi còn tiếp tục làm đệm” ông Minh chia sẻ thêm.