VN làm gì trong lúc Thái Lan chống hạn vài năm trước?
Năm 2016 mới chỉ trôi qua được 3 tháng, nhưng có vẻ như nó đã chỉ ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam chứ không hứa hẹn và tươi sáng như chúng ta đã kỳ vọng.
Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên chỉ đạt 5,46%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,12% cùng kỳ năm 2015. Đành rằng yếu tố tác động chủ đạo đến sự sụt giảm đó phần lớn đến từ các yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu, mà tình trạng hạn hán và xâm mặn kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là điển hình. Tuy nhiên, trên thực tế hậu quả đó có thể được giảm thiểu đáng kể nếu như chúng ta có sự chuẩn bị từ trước và không bị rơi vào tình thế “nước đến chân mới nhảy” như hiện tại.
Nếu như không có sự thay đổi về tư duy và tầm nhìn, và vẫn để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” này diễn ra, thì hậu quả nghiêm trọng sẽ không chỉ dừng lại ở ngành nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, mà sẽ còn diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế và trên phạm vi toàn quốc.
Nếu đặt vấn đề trách nhiệm trong vụ việc hạn hán và xâm mặn kỷ lục được xem là lớn nhất trong vòng 100 năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long, thì ngoài yếu tố biến đổi khí hậu do El Nino gây ra khiến lượng mưa giảm khoảng 40%, ngoài yếu tố các con đập khổng lồ trên thượng nguồn của Trung Quốc khiến lượng nước ở hạ nguồn không đủ, thì còn có trách nhiệm của chính Việt Nam khi đã không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dù đã có cảnh báo từ trước đó rất lâu. Các yếu tố này đều đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra từ lâu. Nhưng tất cả đã không được lắng nghe và Việt Nam đã gần như không có sự chuẩn bị nào cho kịch bản tồi tệ nhất nếu nó xảy ra, và nó đã xảy ra. Phải đến khi nước mặn xâm nhập 8/13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta mới vội vã tìm cách ứng phó.
Một trong những điều đáng chú ý nhất của câu chuyện hạn hán tại các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong trong đó có Việt Nam là sự khác biệt về nhận thức và cách thức chuẩn bị để ứng phó với nguy cơ này. Có những quốc gia đã có sự chuẩn bị từ rất sớm và ít phải chịu những tác động nghiêm trọng từ tình trạng hiện tại và Thái Lan là điển hình. Và cũng có những quốc gia gần như không có bất cứ một sự chuẩn bị nào và đang hứng gần hết những hậu quả nghiêm trọng nhất, mà Việt Nam là ví dụ.
Ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng các con đập lớn trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc của sông Mekong) để phát triển thủy điện, đồng thời để dẫn nước vào sử dụng trong công nghiệp và đưa vào hồ chứa cho tiêu dùng ở tỉnh Vân Nam, thì Thái Lan đã ngay lập tức có biện pháp ứng phó. Trong nhiều năm, Thái Lan đã bắt đầu xây dựng hệ thống thủy lợi bao gồm hồ chứa và hệ thống dẫn nước khá quy mô và đồ sộ sử dụng nước từ các phụ lưu của sông Mekong. Giờ đây khi tình trạng hạn hán trên diện rộng diễn ra, cũng là lúc người Thái bắt đầu vận hành hệ thống quy mô của mình để dẫn nước tới các khu vực đang chịu tình trạng hạn hán và thiếu nước, như Nọng Khai và các tỉnh vùng Đông Bắc của nước này. Dù không giải quyết được toàn bộ tình trạng hạn hán ở nước này thì nó cũng làm giảm thiểu phần lớn tác động do hạn hán gây ra.
Còn Việt Nam thì gần như ngược lại. Chúng ta đã gần như không làm bất cứ điều gì để ứng phó với nguy cơ hạn hán được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Các hồ chứa và các công trình ngăn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã không được xây dựng, khiến cho tốc độ xâm mặn lớn đến mức 8/13 tỉnh thành bị nước mặn xâm nhập, tàn phá nông nghiệp và đẩy người dân ở các tỉnh này vào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt. Đến lúc này chúng ta mới bắt đầu vội vã ứng phó và đương nhiên, chúng ta phải đón nhận cho thảm họa này – thảm họa không chỉ tàn phá nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đang là tác nhân kéo lùi tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế một cách nghiêm trọng nhất.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa này, không gì khác ngoài tình trạng “nước đến chân mới nhảy” quen thuộc trong cách xử lý các vấn đề của nền kinh tế khá thường thấy trong những năm qua. Nhìn rộng ra một chút, thì tình trạng này tràn lan trong hầu khắp các lĩnh vực nền kinh tế, mà gần đây chúng ta có thể thấy thông qua một số vụ việc như áp thuế nhập khẩu cho thép nhập khẩu từ Trung Quốc hay thậm chí là nợ công quốc gia.
Theo kế hoạch đến hết năm 2016 thì nợ công sẽ kịch trần ở mức trên 64% GDP và sẽ giảm dần kể từ năm 2017, nhưng trong bối cảnh tốc độ tăng nợ công phi mã từ 3-4%/năm như những năm qua mà muốn không những không tăng mà còn giảm đi chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi thì quả thực là điều khó có thể xảy ra.
Điều tương tự cũng đang diễn ra trong hầu khắp nền kinh tế, và đang bị cảnh báo có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại lớn và quan trọng mà Việt Nam ký kết sắp đi vào hoạt động, thì tình trạng “nước đến chân mới nhảy” này có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Đã có không ít cảnh báo về việc nếu Việt Nam không có sự chuẩn bị, thì sẽ phải hứng chịu các tác động tiêu cực từ các hiệp định này, như các doanh nghiệp trong nước bị thâu tóm và sáp nhập, thị trường nội địa lọt vào tay doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Đó đều là những hậu quả rất lớn, và để tránh khỏi những nguy cơ đó cần phải có sự chuẩn bị lâu dài, trong khi thời gian chuẩn bị cho các hiệp định thương mại cho Việt Nam chỉ diễn ra từ 1-2 năm mà thôi. Và thực tế Việt Nam đã chuẩn bị những gì về pháp lý, hành chính, về sức cạnh tranh của doanh nghiệp... trong thời gian vừa qua? Gần như là rất ít.
Câu chuyện về thiên tai, hạn hán và xâm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long hiện tại đang là một lời cảnh báo đắt giá hơn bao giờ hết về những gì Việt Nam sẽ phải hứng chịu nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng “nước đến chân mới nhảy” hiện nay, trong nền nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà thế giới biến động và thay đổi liên tục trong từng phút từng giây, thì rõ ràng bất cứ một sự chậm chân nào cũng đồng nghĩa với những hậu quả khôn lường.
Hạn hán và xâm mặn kỷ lục lần này mới chỉ kéo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I xuống còn 5,46%, nhưng nếu những hậu quả và tác động diễn ra trong các lĩnh vực khác cũng như toàn bộ nền kinh tế thì đó sẽ là một con số thiệt hại khổng lồ. Một tầm nhìn xa không chỉ có ý nghĩa là nhìn ra được các cơ hội trong tương lai, mà còn mang ý nghĩa giảm thiểu tác động từ các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.