Vinalines "nhấn chìm" hơn 2 nghìn tỉ đồng

Sau Vinashin, những vết trượt của TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho thấy thêm một trụ cột của ngành vận tải biển đang chao đảo. Những kết luận mới của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy, các tồn tại cũ như mua tàu cũ, nhiều tàu cũ tới mức không thể đăng kiểm được ở Việt Nam, phải treo cờ nước ngoài và việc đầu tư dàn trải... làm TCty lỗ tới trên 1.685 tỉ đồng...

Lặp lại điệp khúc mua tàu cũ, thiệt hại lớn

Kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines giai đoạn 2007 - 2010, TTCP chỉ ra hàng loạt những tồn tại, sai phạm. Hai trọng tâm trong chiến lược phát triển của TCty là "phát triển nhanh, vững chắc đội tàu biển và hệ thống cảng biển" đều mắc lỗi cơ bản, khiến cho mục tiêu "sớm trở thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực... " trở nên xa vời.

Để thực hiện kế hoạch phát triển, Vinalines được Chính phủ cho phép áp dụng nhiều chính sách, giải pháp ưu đãi về vốn, về thị trường cũng như được thực hiện cơ chế đặc thù trong đầu tư đăng ký, mua bán tàu biển... Từ năm 2005 - 2010, Vinalines đầu tư mua 73 tàu, đa số các tàu mua là của nước ngoài, đã qua sử dụng, với năng lực vận tải 2.004.961 DWT, tổng số vốn là 22.853 tỉ đồng. 85% vốn mua tàu là vay thương mại, thậm chí dự án mua tàu Sky, Ocean, Global sử dụng 100% vốn vay... Qua thanh tra, TTCP kết luận, cơ cấu đội tàu của Vinalines chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt, chủ yếu là tàu vận chuyển hàng khô, tàu tải trọng lớn, ít chú ý đến tàu chuyên dùng. Tiến độ đóng mới tàu chậm so với kế hoạch 7 năm, làm tăng chi phí đầu tư.

Năm 2009, Vinalines lỗ 412,325 tỉ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang). Năm 2007 nợ phải trả là 17.071 tỉ đồng chiếm 65,8%, năm 2010 là 36.599,7 tỉ đồng chiếm 91,4% tổng nguồn vốn. Hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, tỉ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14,15% năm 2007 xuống còn âm 14,8% năm 2010.

Hầu hết các dự án được lập sơ sài, nội dung và thực tế thực hiện không thống nhất. Dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, nhưng thực tế có 5/27 tàu đóng mới, 34/73 tàu mua về đưa vào khai thác lỗ, thậm chí có tàu lỗ nặng phải bán. Ngoài ra, kết luận của TTCP cho thấy Vinalines đã đi vào đúng "vết xe đổ" của Vinashin khi mua hàng loạt tàu cũ. Có 17 tàu trên 15 tuổi không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi vẫn được mua và được Bộ GTVT cho phép đăng ký treo cờ nước ngoài (Mông Cổ, Panama). Điển hình trong số này có đội tàu của Cty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) mua tuổi bình quân là 26 năm và hiện 7/10 tàu treo cờ nước ngoài. Theo TTCP, việc mua tàu cũ không thể đăng ký tại Việt Nam làm xấu đi hình ảnh đội tàu quốc gia, giảm sức cạnh tranh.

Theo xác định của TTCP thì đội tàu của Vinalines thời điểm cao nhất có 149 tàu, thời điểm ít nhất có 100 tàu, nhưng được phân bố dàn trải, phân tán và manh mún ở 18 đơn vị khai thác, trong đó cá biệt có đơn vị chỉ có 1 tàu. (Xem tiếp trang 3)

Đội tàu trên lại chủ yếu để cho thuê định hạn, làm lệch hướng phát triển vận tải biển, chưa bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường vận tải biển phục vụ nền kinh tế quốc dân.

Hậu quả của những bất cập trên không chỉ làm kết quả khai thác đội tàu thấp. Trong giai đoạn 2005 - 2010, riêng việc khai thác của Cty mẹ lỗ 935 tỉ đồng. Ngoài ra, chính việc tổ chức vận tải phân tán, thiếu kinh nghiệm trong điều hành, dẫn đến tình trạng tàu của Vinalines bị nước ngoài bắt giữ phải ngừng hoạt động, người thuê tàu hủy hợp đồng, phát sinh chi phí nộp phạt, tranh tụng. Chỉ mới tính riêng hai vụ việc với tàu VNL Global và tàu từ Vinashin chuyển sang đã gây thiệt hại gần 6 triệu USD.

Để xảy ra những tồn tại trên, TTCP khẳng định trách nhiệm trực tiếp thuộc Chủ tịch HĐQT nay là Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Vinalines qua các thời kỳ từ 2007 - 2010.

Vinalines "nhấn chìm" hơn 2 nghìn tỉ đồng - 1

Tàu Vinalines Global từng bị giữ tại nước ngoài đòi tiền chuộc

Đầu tư dàn trải, ngập trong lãng phí và vi phạm

Giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã quyết định đầu tư 14 dự án xây dựng cảng gồm 1 cảng cạn, 1 cảng sông và 12 cảng biển. Quá trình thanh tra, TTCP phát hiện hầu hết các dự án đều xảy ra vi phạm.

Trong đó, đáng chú ý có dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Đây là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.177,6 tỉ đồng. Đến nay, dù chưa có tổ chức tài chính nào bảo đảm vốn đầu tư cho dự án, tuy nhiên Vinalines đã tổ chức lễ khởi công hoành tráng từ ngày 31.10.2009. Điều đáng nói là trong khi quyết định của Thủ tướng chỉ cho phép chi phí tối đa cho việc tổ chức lễ khởi công dự án là 50 triệu đồng thì TCty đã vung tay chi tới 4,114 tỉ đồng (vượt trên 80 lần) cho lễ khởi công này.

Cũng theo xác định của TTCP thì trong dự án này, Vinalines đã chỉ đạo, quản lý việc thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và quản lý thi công các hạng mục công trình không chặt chẽ, trái quy định, làm tăng vốn đầu tư như điều chỉnh dự toán gói thầu số 1 từ 14 tỉ đồng lên 21,6 tỉ đồng và chỉ định đơn vị trúng thầu trong cùng một quyết định; thiết kế không chính xác về chiều dài cọc, quản lý thi công thiếu kiên quyết, dẫn đến khi thi công đóng 115 cọc, thừa từ 2 - 10/cọc, gây lãng phí trên 2 tỉ đồng; nguy cơ mất 146 tỉ đồng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng nhập cọc...

Dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía Nam cũng được xác định là có nhiều sai phạm, gây lãng phí lớn. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên đến 3.854 tỉ đồng, nhưng Vinalines quyết định đầu tư khi chưa có quy hoạch. TTCP kết luận việc Vinalines quyết định đầu tư không đúng thẩm quyền.

Chỉ tính riêng việc mua ụ nổi No83M đã 43 tuổi, vượt 28 tuổi so với quy định đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi mua về phải sửa chữa nhiều lần. Tính đến ngày 30.4.2010, tổng số tiền lãng phí từ phi vụ được xác định là có dấu hiệu làm trái quy định này đã lên tới 489,6 tỉ đồng.

Theo TTCP, chỉ tính hai thương vụ đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và nhà máy sửa chữa tàu Vinalines phía nam, số tiền lãng phí đã lên đến trên 520 tỉ đồng.

Dự án đầu tư cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; các dự án đầu tư xây dựng cảng liên doanh đều được xác định có tồn tại, vi phạm.

Ngoài ra theo TTCP, trong giai đoạn 2007 - 2010, Vinalines đã đầu tư và có vốn góp vào 158 doanh nghiệp. Tuy nhiên vốn đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp. Sử dụng 1.000 tỉ vốn trái phiếu trái mục đích...

Theo TTCP, để xảy ra những tồn tại, sai phạm trên, ngoài nguyên nhân khách quan do tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có nguyên nhân chủ quan từ sự yếu kém trong công tác quản lý. Đầu tư dàn trải, không đồng bộ. Đến nay, có khoảng 1.836 tỉ đồng đầu tư dang dở không phát huy hiệu quả, gây lãng phí lớn. Trách nhiệm thuộc về tập thể lãnh đạo TCty, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và giám đốc, trưởng các ban quản lý dự án của Vinalines qua các thời kỳ từ 2005 - 2010.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ GTVT và Bộ Nội vụ tổ chức, hướng dẫn các thành viên HĐQT (HĐTV) và Tổng Giám đốc Vinalines thời kỳ 2007 - 2010 kiểm điểm trách nhiệm, tự đề xuất hình thức xử lý để Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm người để xảy ra khuyết điểm sai phạm trên.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ liên quan rà soát, sửa đổi nhiều quy định liên quan, khắc phục khoảng trống pháp lý liên quan đến việc xử lý trách nhiệm cũng như quản lý vốn tài sản nhà nước. Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ những vi phạm trong việc đầu tư mua nổi No83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.

Xung quanh đề án đầu tư 100.000 tỉ đồng phát triển đội tàu biển:
Vấn đề không phải là đầu tư bao nhiêu tiền!

Theo danh mục đầu tư đội tàu biển để phục vụ mục tiêu CNH-HĐH trong đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2012 - 2015 cần đầu tư 67 tàu trị giá 30.000 tỉ đồng. Số lượng tàu cần đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 là 95 tàu với giá trị ước tính lên đến 70.000 tỉ đồng. Danh mục đầu tư đội tàu biển kể trên sẽ "ngốn" đến 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2012 - 2020. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã có ý kiến về câu chuyện đầu tư "khủng" này.

Mục tiêu của Bộ GTVT trong đề án CNH - HĐH ngành GTVT là đến năm 2015 có tổng trọng tải tàu đạt xấp xỉ 15 triệu tấn với các đội tàu vận tải quốc tế đủ các chủng loại. PGS-TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT - đặt nghi vấn: "Đến hết năm 2011, tổng đội tàu biển của VN mới đạt trọng tải chưa đến 7 triệu tấn dù đã được đầu tư nhiều trong những năm qua. Trong khi, hầu hết hàng xuất - nhập khẩu (XNK) của VN do các hãng tàu biển nước ngoài đảm nhận, hãng tàu VN không cạnh tranh được. Làm thế nào chỉ trong vòng 3 năm đạt được đến năng lực 15 triệu tấn?".

Còn ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký thường trực Hiệp hội Chủ tàu VN - cho rằng: "Chính phủ đã hoạch định chính sách, chiến lược phát triển vận tải biển. Vận tải biển phải đứng hàng đầu trong đóng góp GDP cả nước, phấn đấu đến năm 2030, các hãng tàu trong nước vận chuyển được 30% hàng hóa XNK của VN. Vì vậy, theo tôi Bộ GTVT phải làm sao để đạt được những mục tiêu đó chứ không phải đề ra giai đoạn này cần đầu tư bao nhiêu tiền, giai đoạn kia cần đầu tư bao nhiêu tiền".

Vinh Hải

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN