Vinalines làm cảng cũng lỗ

Như đã thông tin, không chỉ lao đao vì mua phải tàu cũ kỹ, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) dưới thời kỳ lèo lái của ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines) còn khốn đốn vì hàng loạt dự án đầu tư cảng với số tiền hàng ngàn tỉ đồng không hiệu quả, gây lãng phí lớn.

Vinalines đầu tư đúng ngành nghề đã lỗ nhưng vẫn hăng hái đầu tư tràn lan ra ngoài ngành và đứng trước nguy cơ mất vốn.

Ồ ạt làm cảng

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2007-2010 Vinalines đã đầu tư, xây dựng 14 dự án cảng, trong đó có 12 cảng biển, một cảng sông và một cảng cạn. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều có sai phạm trong quá trình quản lý, phê duyệt thiết kế, dự toán chi phí, thi công...

Trong đó, để tham gia liên doanh xây dựng một số cảng như cảng container quốc tế SP-SSA (SSIT), cảng container quốc tế cảng Sài Gòn (SP-PSA), cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), Vinalines và các đơn vị thành viên đã đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng. Ba trong số các cảng này nằm ở khu Cái Mép - Thị Vải (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) - nơi được đánh giá tiềm năng trở thành cửa ngõ quốc tế. Tuy nhiên, do các nhà khai thác cảng nhảy vào làm ồ ạt trong khi các yếu tố để hút hàng vào cảng và hãng tàu đến làm hàng lại chưa đủ nên dù được đầu tư hàng trăm triệu USD, cảng vẫn vắng tàu và thua lỗ.

Mặc dù một số cảng mới đi vào khai thác giữa năm 2009 và đầu năm 2011 nhưng theo Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31-12-2010 các cảng mà Vinalines và doanh nghiệp thành viên tham gia liên doanh đầu tư ở Cái Mép - Thị Vải bị lỗ 252 tỉ đồng. Ðến năm 2011, khi công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm, lãnh đạo Vinalines cho biết cảng SP-PSA bị lỗ 365 tỉ đồng và CMIT lỗ 97 tỉ đồng. Theo Hiệp hội Cảng biển VN, với tình trạng cạnh tranh bằng cách hạ cước như hiện nay, việc thua lỗ ở các cảng nói trên sẽ còn tiếp tục kéo dài. Hậu quả có thể khiến nhà khai thác cảng VN nằm trong liên doanh không chịu được gánh nặng tài chính sẽ phải bán cho đối tác nước ngoài.

Một sai phạm nổi bật trong quá trình đầu tư cảng biển của Vinalines nằm ở dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (tại vũng Ðầm Môn, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa). Theo đó, Vinalines đã vung tay quá trán trong ngày khởi công (31-10-2009) khi Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép làm lễ khởi công với chi phí 50 triệu đồng, còn Vinalines bỏ ra hơn 4,1 tỉ đồng. Ở dự án này, các khâu như phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu, quản lý thi công... đều không chặt chẽ.

Vinalines làm cảng cũng lỗ - 1

Vinalines mua ụ nổi No83M về phải sửa chữa đầu tư đến nay tổng số tiền lên đến 489,6 tỉ đồng, nhưng hiện vẫn nằm “đắp chiếu” tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai)

Cụ thể, vào tháng 8-2011, ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Hàng hải I (đơn vị thuộc Vinalines), đã có báo cáo gửi Ủy ban kiểm tra Ðảng ủy thuộc Vinalines, trong đó nêu rõ Vinalines duyệt đơn giá vật tư cao hơn giá thị trường khoảng 1,5 lần. Gói thầu xây dựng cầu tàu có giá trúng chỉ định thầu tới 973 tỉ đồng, trong khi giá cùng thời điểm trên thị trường là 650 tỉ đồng dù Ban quản lý dự án Hàng hải I đã có lưu ý với Vinalines và gửi kèm các báo giá cụ thể. Ngay cả với việc hiện nay khó thu hồi khoản tạm ứng nhập cọc 146 tỉ đồng cho nhà thầu Hàn Quốc cũng đã xảy ra những bất đồng giữa Ban quản lý dự án Hàng hải I và lãnh đạo Vinalines, với lý do nhà thầu nhập cọc không đảm bảo chất lượng, cọc cũ, đã sơn phủ và Ban quản lý dự án Hàng hải I đã không chấp nhận nghiệm thu.

Hăng hái đầu tư ngoài ngành

Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2007-2010 Vinalines đã đầu tư và góp vốn tại 158 doanh nghiệp. Trong đó công ty mẹ có vốn góp tại 64 doanh nghiệp và các công ty con của Vinalines có vốn góp tại 94 doanh nghiệp (công ty cháu). Thế nhưng việc đầu tư và quản lý vốn tại các doanh nghiệp có nhiều hạn chế do vốn đầu tư dàn trải và hiệu quả thấp. Việc cử người đại diện phần vốn trong một số doanh nghiệp có vốn góp của công ty mẹ và của một hoặc một số công ty con làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên vốn góp của Nhà nước bị phân tán và tiềm ẩn nguy cơ quản lý vốn không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Cụ thể, công ty mẹ đã không ghi nhận khoản đầu tư 15 tỉ đồng vào Công ty Xuất nhập khẩu vật tư đường biển và chưa đánh giá khoản tổn thất đầu tư vì chưa tiến hành xong các thủ tục phá sản công ty này. Vinalines hăng hái đầu tư ngoài ngành tới mức vốn đầu tư vào Công ty cổ phần Chứng khoán thủ đô còn vượt mức quy định 2,18%.

Mặc dù là đơn vị chuyên ngành về kinh doanh tàu biển, xây dựng cảng biển, nhưng hội đồng quản trị Vinalines thông qua chủ trương đầu tư góp vốn thành lập một số doanh nghiệp chứng khoán, bất động sản. Vì vậy, theo Thanh tra Chính phủ, do Vinalines thiếu các thông tin về mức cổ tức dự kiến, lợi nhuận được chia hằng năm, phương án sản xuất kinh doanh và hiệu quả sản xuất kinh doanh nên đơn vị này không có đủ cơ sở đánh giá tính khả thi về việc thu hồi vốn, khả năng sinh lời vốn đầu tư.

Ðáng chú ý, Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại hàng hải Hải Phòng và hai công ty bất động sản đã dùng vốn góp của các cổ đông gửi ngân hàng thu lãi và không thực hiện chia lợi nhuận cho các cổ đông trong ba năm. Năm 2010, Công ty cổ phần bất động sản Vinalines đã dùng 58 tỉ đồng góp vốn vào Công ty cổ phần Khai thác đường biển Ninh Thuận. Hiện giám đốc công ty này đang bị khởi tố về hành vi "lợi dụng chiếm đoạt tài sản", dẫn đến Vinalines có khả năng mất toàn bộ 36,7 tỉ đồng vốn góp vào doanh nghiệp này.

Một số “điển hình” thua lỗ, lãng phí ở Vinalines

* Năm 2005, mua tàu Đại Việt giá 745 tỉ đồng, tàu này hoạt động khai thác đến cuối năm 2010 lỗ 181 tỉ đồng.

* Năm 2006, mua tàu Vinalines Glory giá 873 tỉ đồng, tàu này hoạt động khai thác đến cuối năm 2010 lỗ 115,5 tỉ đồng.

* Năm 2007, mua tàu Vinalines Galaxy giá 973 tỉ đồng, hoạt động khai thác đến cuối năm 2010 lỗ 192 tỉ đồng.

* Năm 2008, mua ụ nổi No83M. Sau khi sửa chữa hai lần cộng với giá mua, chi phí kéo từ Nga về VN, số tiền đầu tư vào ụ nổi sản xuất từ năm 1965 lên đến 489,6 tỉ đồng, bằng 70% chi phí ụ đóng mới. Tuy nhiên, đến nay ụ vẫn không hoạt động được.

* Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong khởi công ngày 31-10-2009, sau đó dự án này tạm ngưng và hiện có nguy cơ không thu hồi được 146 tỉ đồng tiền tạm ứng nhập cọc cho nhà thầu Hàn Quốc.

* Dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước: sử dụng 499 tỉ đồng vốn ngân sách để mua trang thiết bị không đúng mục đích. Đây là khoản tiền ngân sách hỗ trợ để di dời cảng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Hoàn - Ngọc Ẩn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN