Vinacomin: EVN đã trả hết nợ nghìn tỷ
Lãnh đạo Tập đoàn than khoáng sản hồ hởi cho biết khoản nợ quá hạn gần 2.000 tỷ đồng tiền mua than của EVN đối với Vinacomin đã cơ bản được thanh toán hết vài tháng trước.
EVN đã thanh toán hết nợ cũ
Tại cuộc họp báo quý III/2013 của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), trả lời câu hỏi của PV Infonet về tiền nợ quá hạn mua than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với Vinacomin, ông Nguyễn Văn Biên – Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, khoản nợ này cơ bản đã được EVN thanh toán hết.
“Số tiền nợ quá hạn có lúc lên tới gần 2.000 tỷ đồng hiện nay đã được EVN trả cho Vinacomin từ vài tháng nay rồi”- ông Biên nói và cho rằng, hiện tại công nợ tiền bán than cho EVN không còn là mối bận tâm của lãnh đạo tập đoàn Vinacomin do hai bên đã ngồi lại và thống nhất được với nhau phương án trả nợ.
Ông Nguyễn Văn Biên -Phó tổng giám đốc Vinacomin: "EVN và Vinacomin đã ngồi lại bàn bạc và thống nhất được phương án trả nợ tiền mua than của EVN".
“Nợ tiền mua than của EVN không còn nhiều, có lúc nhiều khoản nợ quá hạn chỉ trên 200 tỷ đồng, còn những khoản nợ trong định mức thỏa thuận khi ký hợp đồng (sau 7-10 ngày bên mua thanh toán tiền) thì có là đương nhiên”- Phó tổng giám đốc Vinacomin giải thích thêm.
Liên quan tới khoản huy động vốn qua phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 9 vừa qua, ông Biên hồ hởi, số nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu của Vinacomin nhiều hơn dự kiến, cho thấy sự đánh giá tín nhiệm của các nhà đầu tư vào chỉ số tài chính của tập đoàn vẫn cao.
Với mức lãi suất năm đầu tiên 11 %/năm, 4 năm tiếp theo mức lãi suất bằng lãi suất huy động tiết kiệm một năm của 4 ngân hàng lớn, cộng với margin 3,3%/năm được lãnh đạo Vinacomin đánh giá là “mức lãi suất tương đối tốt trong thời điểm khó khăn hiện nay”.
Khoản vốn thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được tập đoàn phân bổ vào 3 nhóm dự án trọng điểm: gần 5% vốn vào các dự án than; dự án bauxite và dự án Amôn Nitrat.
“5.000 tỷ đồng thu được từ phát hành trái phiếu trong kỳ hạn 5 năm được tạo điều kiện để tập đoàn sử dụng nguồn vốn trong cơ cấu vốn của mình tốt hơn, không phải vay ngắn hạn để đầu tư vào công trình dự án. Sử dung nguồn vốn dài hạn cho dự án dài hạn, tác động khiến hệ số tài chính của tập đoàn tốt hơn, bền vững hơn”- người phát ngôn Vinacomin nói.
Về các khoản đầu tư ngoài ngành, ông Biên tiết lộ, số vốn của tập đoàn này "chôn" vào các dự án đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính chỉ khoảng 500 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu 34.000 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 1,5%. Trong đó, 300 tỷ đồng vốn đầu tư vào ngân hàng, 70 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán, còn lại là bảo hiểm… Hầu hết số doanh nghiệp này đã niêm yết trên sàn chứng khoán nên hướng thoái vốn là sẽ khớp lệnh giá trên thị trường.
“Chúng tôi đang chờ đợi thời điểm thị trường chứng khoản khởi sắc hơn thì sẽ bán ra để thu được giá cao hơn. Chậm nhất là từ nay tới 2015 chúng tôi sẽ thoái hết vốn theo chỉ đạo của Chính phủ”- Phó tổng giám đốc Vinacomin khẳng định.
Riêng trường hợp của Công ty tài chính thuộc tập đoàn Vinacomin, ông Biên cho hay, sau 5 năm hoạt động công ty này đã sinh lời 1.500 tỷ đồng và tập đoàn đã thu về toàn bộ số lời này. Vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng vẫn được công ty bảo toàn trên tài khoản, nên đối tác nào mua lại công ty này đảm bảo an toàn tuyêt đối, mua lại là mua tiền thật, tài sản thật.
“Vẫn xuất than vì không muốn công nhân nghỉ việc”
Trước lo ngại nguồn tài nguyên “vàng đen” của đất nước sẽ chỉ đủ khai thác trong 50 năm, trong khi Vinacomin vẫn đang nỗ lực xuất than, ông Biên giải thích, sở dĩ tới giờ Vinacomin vẫn xuất khẩu than vì trước tiên phải đảm bảo an sinh, việc làm cho số lao động tại Vinacomin chiếm tới hơn nửa dân số tỉnh Quảng Ninh. Thêm nữa, xuất khẩu sẽ đem lại khoản doanh thu để doanh nghiệp tái đầu tư, phát triển, góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay cũng như sau này
“Bây giờ chúng ta chỉ xuất khẩu ở mức tối thiểu nhất để giữ ổn định và tạo việc làm chứ không phải để bù đắp cho tiêu thụ trong nước. Nếu giờ không xuất than thì vốn sẽ tồn đọng lại, công nhân sẽ bỏ việc và sau này không có công nhân làm việc khi chúng ta đẩy công suất sản xuất lên. Năm nay dự kiến chúng tôi còn xuất khẩu thấp hơn so với kế hoạch đặt ra. Số lượng công nhân trong ngành than ngang với 50% dân số tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi không thể để công nhân nghỉ việc”- ông Biên nói.
Thu 1.000 tỷ đồng từ tăng giá bán than cho điện
Đánh giá cao việc Bộ Tài chính đồng ý giảm thuế xuất khẩu than từ 13% xuống còn 10% từ 1/9/2013, nhưng lãnh đạo ngành than cho rằng, việc ngành than phải chịu thuế suất cao trong suốt 6 tháng đầu năm 2013 đã khiến ngành mất đi nhiều đối tác ruột. Phải từ tháng 10 thì tình hình xuất khẩu của Vinacomin mới cải thiện trở lại, do khách hàng chuyển nguồn mua than từ các thị trường như Trung Quốc, Mông Cổ, Mỹ, Triều Tiên….
Ít nhất phải sang đầu năm 2014 số hợp đồng xuất khẩu than mới tăng lên, khách hàng mua than mới quay trở lại do trước đó họ đã ký mua than dài hạn (3 – 6 tháng) với các đối tác khác dù Vinacomin đã giảm giá bán để “lôi kéo” khách hàng.
Dự báo trong quý IV, Vinacomin sẽ tiêu thụ 3-3,5 triệu tấn than dành cho xuất khẩu.
Về khoản doanh thu tăng thêm từ việc tăng giá bán than cho điện thêm 14% từ 1/8, vị Phó tổng giám đốc Vinacomin tiết lộ, giá bán than cho điện đã được điều chỉnh từ mức 86% giá thành lên 100% giá thành. Theo tính toán của Vinacomin, tại thời điểm 1/8 tăng giá bán than cho điện, tập đoàn này đã thu thêm 1000 tỷ đồng.
Trước đây than bán cho điện khoảng 5% giá thành, nhà nước phải cân đối ngoại tệ bằng xuất khẩu than bù cho sản xuất điện trong nước, và để trang bị trang thiết bị. Tới năm 2014 Chính phủ đưa ra chủ trương than bán trong nước phải có lãi, giá than bán cho điện bây giờ mới ở mức tối thiểu để ổn định sản xuất và duy trì việc làm cho công nhân mỏ