Việt Nam tiếp tục hút vốn FDI từ Châu Á

Khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến việc phân bổ và thu hút nguồn vốn FDI, nhưng Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã thu hút được trên 9,52 tỷ USD vốn FDI và trên 70% số vốn đó đến từ khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 9 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,52 tỷ USD, bằng 72,1% so với cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,1 tỷ USD, bằng 98,8 % so với cùng kỳ năm 2011. Con số này được xem là rất khả quan trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới .

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam thì khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang dẫn đầu dòng vốn này, cụ thể như Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,68 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam thời điểm này; và các vị trí tiếp sau thuộc về Samoa, Hàn Quốc và Singapore.

Việt Nam tiếp tục hút vốn FDI từ Châu Á - 1

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu về thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm 2012.

Theo đánh giá Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Xu hướng một số nước Châu Á cũng như nhiều nước công nghiệp phát triển khác coi Việt Nam như một điểm đến tiềm năng và họ vẫn đánh giá cao cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Trên thực tế, cơ hội cho các nhà đầu tư đang có sự gia tăng rõ rệt từ 2 nguồn, một là từ những nước phát triển hàng đầu thế giới, như Mỹ , Đức, Nhật. Thứ hai là từ những nước khu vực. Theo ông Toàn, đây rõ ràng là một dấu hiệu tốt trong việc thu hút FDI vào Việt Nam.

Phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2012 có quy mô vừa và nhỏ. Trong số 775 dự án được cấp mới trong 9 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; có 64 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,5% số dự án) với tổng vốn đầu tư 5,29 tỷ USD. Chủ yếu các dự án này tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ được coi là hút nhiều vốn FDI nhất đến từ các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự cải thiện về chất lượng thu hút nguồn vốn FDI chính là xét về cơ cấu các lĩnh vực thu hút FDI. Rõ ràng so với trước đây, những dự án liên quan đến BĐS nhiều dường như ngày càng giảm bớt và thậm chí là giảm rất căn bản trong thời gian gần đây. Cùng với nó là xu hướng gia tăng về công nghiệp chế tạo, năng lượng .

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, năm nay Việt Nam vẫn giữ được ngôi vị số 1 trong công tác thu hút FDI cho ngành công nghiệp chế tạo năng lượng và vị trí thứ 2 là bất động sản; đặc biệt là những dự án khả thi. Đây hai lĩnh vực mà Việt Nam đang rất quan tâm.

Có thể nói, đầu tư nước ngoài của khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc, dần dần khẳng định vị thế của mình là một bộ phận năng động của nền kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, dòng vốn này đã đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Giúp các doanh nghiệp Việt Nam không những mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại chính khu vực này mà còn mang lại cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN