Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về ô tô?

Sự kiện: Kinh Doanh

Phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong bài phát biểu ngắn trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn DN Việt Nam (VN) (VBF) giữa kỳ 2017 ngày 16-6 đã nhấn mạnh: “Giải quyết vấn đề lệch pha giữa khối đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước không bằng cách làm DN FDI yếu đi”.

Doanh nghiệp Việt lép vế

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhận định DN FDI là nhân tố quan trọng, đóng góp vào việc tạo thêm việc làm, tăng sản lượng công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu của VN.

Hiện nay khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của VN. Các DN FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỉ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.

“Tuy nhiên, gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, có một thực trạng phải thừa nhận là kết nối cộng sinh trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước còn rất hạn chế” - ông Lộc nói.

Chẳng hạn trong các dự án FDI có quá ít liên doanh, khoảng 80% FDI ở VN là DN 100% vốn nước ngoài. Tỉ lệ các DN tư nhân trong nước đang cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI rất hạn chế. Thậm chí FDI đang nhận được những ưu đãi lớn hơn so với các DN tư nhân trong nước như tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế…

Từ những nhận định cơ bản này, ông Lộc cho rằng cần tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa FDI với DN trong nước. “Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đó là chìa khóa quan trọng nhất thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của DN FDI. Bằng cách này VN mới tránh được tình trạng “một nền kinh tế với hai tốc độ” hay “hai nền kinh tế trong một quốc gia” - ông Lộc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng hiện có sự lệch pha giữa FDI và kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trước việc lệch pha thì không phải Chính phủ sẽ làm yếu đi FDI mà quan điểm là tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút FDI và kết nối với các DN trong nước. Qua đó để FDI và DN trong nước có đủ năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị của thế giới.

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về ô tô? - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: CHÂN LUẬN

Hy vọng Việt Nam dẫn đầu về ô tô

Ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN (JBAV), đồng chủ tọa VBF 2017, cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến VN mất đi khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Bởi nếu tính cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở VN ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.

Ông Karashima nhấn mạnh: “Việc tăng lương giúp người Việt có đời sống thịnh vượng hơn và cũng là nhân tố cần thiết để khuyến khích nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, những ngành đầu tàu trong nền kinh tế VN như may mặc, giày da, gia công xuất khẩu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự gia tăng này”.

Ông Karashima cũng nhấn mạnh cần phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các DN vừa và nhỏ. “Cần phải có những DN vừa và nhỏ của Nhật Bản là những DN có thế mạnh được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho VN bằng cách hợp tác với các DN VN. Tuy vậy, đang có một rào cản đối với DN của Nhật Bản khi di chuyển sang VN, đó là chính sách về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng” - ông Karashima nói.

Trong khi đó, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham), gợi ý: “Chúng tôi tin tưởng rằng việc lựa chọn trở thành quốc gia sản xuất ô tô và xe máy điện sẽ biến VN trở thành nước dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch và ô tô. Đồng thời việc này giúp mở đường cho VN để sản xuất pin cho các tòa nhà và TP, bổ sung vào nguồn năng lượng tái tạo liên tục. Dĩ nhiên, kèm theo cần phải có kế hoạch tái chế pin đã qua sử dụng”.

Còn ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch KoCham, đại diện cộng đồng DN Hàn Quốc tại VN, khẳng định các DN Hàn Quốc sẽ tăng đầu tư vào VN vì họ cảm thấy hài lòng. Tuy vậy, ông đề cập về một số vấn đề pháp lý theo pháp luật hiện hành đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đó là thuế xuất khẩu với sản phẩm nhôm.

“Nhiều nhà sản xuất sản phẩm nhôm đang phải đối mặt với khó khăn khi xuất khẩu các sản phẩm này từ VN, bởi vì họ mất năng lực cạnh tranh về giá tại các thị trường nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc không áp thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm” - ông Ryu Hang Ha nói và đề xuất miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm nhôm.

Quan điểm, lập trường của Chính phủ VN coi FDI là bộ phận hữu cơ rất quan trọng trong nền kinh tế VN. Thành công của FDI chính là thành công của VN và ngược lại, thành công của DN Việt cũng là thành công của khối FDI.

Do vậy các bộ, ngành và VCCI tổng hợp ý kiến, kiến nghị để báo cáo Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch, công khai, có thể tiên liệu được, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Phó Thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

____________________

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng các DN FDI liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Đặc biệt, các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân của VN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN