Việt Nam nguy cơ trở thành 'bến đỗ' rác thải, phế liệu
Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu từ đầu năm 2018 đang khiến Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ trở thành bến đỗ mới của rác thải, phế liệu. Trong khi lực lượng Hải quan đang căng hết mình kiểm soát thì các doanh nghiệp dùng nhiều chiêu trò để nhập phế liệu, rác thải.
Hải Phòng và TPHCM đang có lượng container hàng hóa ùn ứ, tồn đọng quá lớn. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Trong báo cáo gửi Tổng cục Hải quan (TCHQ) mới đây, Cục Giám sát quản lý (thuộc TCHQ) cho hay, qua thu thập, nắm bắt thông tin, cơ quan này đã nắm ngay được từ đầu năm 2018 Trung Quốc đã thực hiện chính sách cấm nhập khẩu (NK) nhiều loại phế liệu. Do đó, nếu không quản chặt, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ trở thành công trường chế biến rác thải, phế liệu. (Ước tính mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7,3 triệu tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.)
Điều đáng nói, dù biết không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu NK phế liệu theo quy định nhưng một số DN vẫn cố tình lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách NK. Có DN còn dùng “chiêu” sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giả trong việc làm thủ tục hải quan.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, cả nước có 928 DN nhập phế liệu, với 49.266 tờ khai. Trong đó, nhóm phế liệu nhựa có 407 DN, với 18.344 tờ khai; phế liệu giấy có 254 DN, với 11.187 tờ khai; phế liệu sắt thép có 369 DN, với 13.114 tờ khai. Cũng trong thời gian này, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ một số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động NK phế liệu với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng.
Hàng nghìn container rác thải đang nằm tại cảng Cát Lái, TPHCM. Ảnh: PV.
Đơn cử mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) đã yêu cầu với Cty TNHH Deltachems Tuấn Sinh (Hải Phòng) phải tái xuất lô hàng phế liệu nhựa không đạt chuẩn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trước đó, ngày 7/4/2018, Cty này mở tờ khai NK lô hàng gồm 2 container phế liệu tại chi cục. Lô hàng được Hệ thống thông quan tự động phân luồng Vàng (kiểm tra thực tế hồ sơ). Qua thông tin nghiệp vụ, Chi cục nghi vấn container chứa hàng cấm nên chuyển luồng Đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Doanh nghiệp (DN) không đến xuất trình hàng hóa. Không những thế, Cty này còn mở 1 tờ khai mới cho lô hàng tại một cục hải quan khác trong nội địa (ngoài địa bàn quản lý của Cục Hải quan Hải Phòng). Cơ quan hải quan đã kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu Cty trên phải xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế tại khu vực cảng Hải Phòng. Kết quả kiểm tra cho thấy hàng hóa trong container là phế liệu nhựa không nằm trong Danh mục phế liệu được phép NK để làm nguyên liệu sản xuất.
Một lãnh đạo của Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay, các trường hợp nằm trong diện rủi ro cao đang được các trinh sát của đơn vị rà soát, củng cố hồ sơ. Nếu đầy đủ tài liệu, hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ xem xét khởi tố vụ án.
Khắc phục hạn chế về chính sách
Để kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định về việc NK phế liệu, Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn đã chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục những hạn chế, sơ hở về chế độ, chính sách quản lý đối với mặt hàng phế liệu NK; không cấp phép NK đối với các mặt hàng này trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng phế liệu NK (kể cả mặt hàng bao bì, màng nhựa đã qua sử dụng…) và tình hình NK mặt hàng phế liệu hiện nay.
Đồng thời, ông Cẩn cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý đối với những lô hàng đã về đến cảng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của DN vận chuyển, DN kinh doanh cảng; cơ quan Hải quan không thực hiện khám xét đối với những lô hàng chưa mở tờ khai hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Lãnh đạo TCHQ chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các DN NK mặt hàng phế liệu (như bao bì, màng nhựa đã qua sử dụng…) không có giấy phép hoặc không đủ điều kiện NK; tiếp tục đề nghị các đơn vị ngoài ngành giám định đối với các mẫu hàng khai là phế liệu NK hoặc nghi vấn là phế liệu NK khi Cục Kiểm định Hải quan chưa kiểm định.
TCHQ cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai chuyên đề kiểm soát rủi ro đối với phế liệu NK; phân luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng phế liệu NK nhưng được khai trá hình là hàng hóa đã qua sử dụng như: Bao tải, màng nhựa đã qua sử dụng…
Trước đó, vào đầu tháng 6, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động NK phế liệu vào Việt Nam; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán, chế biến phế liệu đảm bảo yêu cầu môi trường.
Tại Việt Nam, những năm gần đây nhu cầu NK phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất nhựa, giấy, thép có xu hướng gia tăng mạnh. Theo Quyết định số 73 ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, quy định Danh mục phế liệu được phép NK, có 36 mã số hàng hóa chủ yếu là phế liệu nhựa, thép, giấy được phép NK làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, đây là mặt hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc NK phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu NK để thông quan được thực hiện tại cơ quan hải quan cửa khẩu nhập. Về góc độ quản lý hải quan, các tờ khai NK phế liệu đều bị phân luồng kiểm tra thực tế. |