Việt Nam lần đầu xuất siêu sau 19 năm

Chiều 24-12, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 2012. Theo đó, năm 2012 xuất siêu của VN đạt 284 triệu USD. Đây cũng là năm đầu tiên VN xuất siêu hàng hoá kể từ 1993.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân- Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp (Tổng cục Thống kê) cho biết, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, KNXK hàng hoá đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.
“Năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hoá kể từ năm 1993, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD”- bà Vân cho biết.

Theo bà Vân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%. Dấu ấn KNXK trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có thể “điểm danh” nhiều mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và các nhóm linh kiện; hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp.

Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có KNXK tăng mạnh như: điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD; máy móc thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá về lượng xuất khẩu như sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, hạt điều, gạo, chè.

Việt Nam lần đầu xuất siêu sau 19 năm - 1
Lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 8 triệu tấn.

Cũng theo bà Vân, đây cũng là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD. “Tuy nhiên, KNXK những mặt hàng nông sản trên không cao do ảnh hưởng của đơn giá thế giới giảm”- bà Vân nói.

Về thị trường hàng hoá xuất khẩu của nước ta năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) vươn lên là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn nhất với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm ngoái và chiếm 17,7% tổng KNXK hàng hoá. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào EU cao như điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may. Sau thị trường EU là Hoa Kỳ 19,6 tỷ USD; ASEAN 17,3 tỷ USD; Nhật Bản 13,1 tỷ USD; Trung Quốc 12,2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,21%

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2012 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12 năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm 2011.

Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tháng 12-2012 so với tháng trước tăng cao hơn mức tăng chung là: may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 1,17%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,59%); văn hoá, giải trí và du lịch (tăng 0,34%); đồ uống và thuốc lá (tăng 0,32%)...

Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có chỉ số giá thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm, gồm: nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,15%); thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,14%); giáo dục (tăng 0,09%); bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Ông Đỗ Thức- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nhìn lại năm 2012, CPI tháng 12 tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011 nhưng lại là năm có nhiều biến động bất thường.

Cụ thể, CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yêu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm, điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và 7). 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN