Việt Nam dũng cảm khi tham gia TPP?

“Rất nhiều thành viên đã nói Việt Nam rất dũng cảm khi đồng ý tham gia Hiệp định TPP”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ.

Tại Hội nghị tập huấn hội nhập quốc tế về kinh tế mới diễn ra gần đây, Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, có nhiều nước tham gia nhất, đa dạng về trình độ phát triển.

TPP hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu, trong đó có trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. TPP có các quy định chặt chẽ hơn về cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, doanh nghiệp độc quyền…. TPP được kỳ vọng là con đường ngắn nhất để đạt hiệu quả cao nhất, cùng lúc có quan hệ thương mại tự do với nhiều nước.

Việt Nam dũng cảm khi tham gia TPP? - 1

Theo ông Khanh, việc Việt Nam tham gia TPP là minh chứng cho việc một nước phát triển còn thấp sẵn sàng chấp nhận những tiêu chuẩn cao của TPP thì tại sao các nước khác không tham gia.

“Rất nhiều thành viên đã nói Việt Nam rất dũng cảm khi đồng ý tham gia Hiệp định TPP. Như Ấn Độ, Bzaxin cũng phản đối về những cam kết trong TPP trong lĩnh vực  mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước nhưng Việt Nam lại đồng ý. Hay Trung Quốc cũng không thể tham gia vì những cam kết về doanh nghiệp nhà nước”, ông Khanh cho hay.

Theo ông Khanh, nếu TPP được ký kết, Việt Nam phải tranh thủ tận dụng các cơ hội bởi một ngày nào đó nếu Thái Lan, Trung Quốc, Phillippin…giải quyết được những vấn đề nội tại thì họ cũng có thể trở thành thành viên của TPP. TPP có thể áp dụng cho cả các quốc gia.

“Chúng ta đi trước các đối thủ này trong thời gian trung hạn, nếu các nước này xử lý được vấn đề thì họ cũng có thể trở thành thành viên. Hoa Kỳ đã mời Anh tham gia TPP, Ấn Độ cũng đang có ý định tham gia”, ông Khanh cho hay.

Về cắt giảm thuế, với Hoa Kỳ, vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực, khoảng 98% kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản và 75% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp được miễn thuế nhập khẩu. Với Canada, khoảng 77% dòng thuế nông sản, 100% dòng thuế thủy sản được miễn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với Nhật, khoảng 88% kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản được miễn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Về thuế xuất khẩu, chỉ riêng Malaysia và Việt Nam bảo lưu được một số mặt hàng. Việt Nam duy trì thuế xuất khẩu với dầu thô, than đá sản xuất trong nước và tinh quặng quý hiếm.

Về cắt giảm thuế, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong hiệp định TPP. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% khi vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc hạn ngạch thuế quan.

Ngoài những cam kết thuế quan, lần đầu tiên chúng ta cam kết, cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường.

Theo ông Khanh, khi tham gia TPP, chúng ta sẽ đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; cải thiện môi trường đầu tư góp phần thu hút đầu tư chất lượng cao. Nhiều tập đoàn đã đón đầu TPP và EVFTA thông qua nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam; giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm việc làm, thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác có cơ hội tham gia vào thị trường mua sắm công của các nước.

“Người ta quan ngại VN ký FTA nhiều sẽ trở thành nơi nhà máy gia công giá rẻ, hàng cấp thấp nhưng nếu chúng ta mới chỉ quan tâm đến hàng hóa mà không quan tâm đến lao động, môi trường, mua sắm công…. Cơ hội của chúng ta trong TPP là hoàn thiện thể chế, như thế thể chế của chúng ta sẽ gần hơn với các nước phát triển”, ông Khanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số thách thức: một số chủng loại hàng nông sản của ta sẽ gặp sức ép cạnh tranh như thịt gà, bò, sữa….

“Chúng ta xác định cạnh tranh đến từ đâu, các nước TPP là những nước có nền kinh tế bổ sung cho chúng ta. Hoa Kỳ phát triển mạnh về thịt lợn, thịt gà. 1 con lợn của Hoa Kỳ nuôi, chịu các chi phí đến Hải Quan đến Việt Nam trả các chi phí thuế đến tay người tiêu dùng vẫn rẻ hơn hàng trong nước. Cái này là do chúng ta, chăn nuôi của chúng ta. Còn thịt gà, giá thịt đùi của Hoa Kỳ rất rẻ, nên chỉ có 20.000 đồng/kg. Gía rẻ sang thì chúng ta phải cạnh tranh, cạnh tranh đến từ đó chứ không phải cạnh tranh ở tất cả mọi mặt”, ông Khanh lưu ý.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thu ngân sách giảm. Các tiêu chuẩn cao về quản trị đặt ra thách thức cho bộ máy quản lý Nhà nước, phải sửa, ban hành nhiều văn bản pháp luật để thực thi cam kết…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN