Việt Nam chi 3,6 tỉ USD để nhập ô tô và linh kiện

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi gần 1,7 tỉ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, tăng hơn 413% so với cùng kỳ 2018, chưa kể hơn 1,9 tỉ USD nhập linh kiện lắp ráp ô tô.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, tổng số lượng ô tô nhập khẩu trong sáu tháng lên tới hơn 75.000 chiếc, tăng 510%, trong đó có 54.000 chiếc dưới 9 chỗ (tăng 650%).

Theo dự báo, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD, hầu hết các dòng xe nhập khẩu đều có thể sản xuất trong nước.

Liên quan đến phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng như hỗ trợ công nghiệp Việt, tại cuộc họp của lãnh đạo Bộ Công Thương với Cục Công nghiệp về triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm ngày 6/8, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, hiện cả nước có 80 nghìn doanh nghiệp (DN) làm chế biến chế tạo, bằng số doanh nghiệp ở một tỉnh của Nhật nhưng trình độ của các doanh nghiệp rất hạn chế.

Về lâu dài không tăng được số lượng DN, chất lượng DN và kéo các địa phương vào thì ngành công nghiệp rất khó phát triển. Bên cạnh đó, hiện các chính sách để phát triển ngành công nghiệp tương đối ít. Nhiều nghị định được ban hành theo hướng quản lý nhiều hơn là khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp.

“Với lãi suất ngân hàng hiện ở mức 12% thì không ai làm công nghiệp cả. Có một số DN làm công nghiệp thành công rồi thì giờ chuyển qua làm bất động sản. Hiện làm công nghiệp chủ yếu là khối FDI”, ông Hoài nói.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 3,6 tỷ USD để nhập khẩu ô tô và các linh kiện

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 3,6 tỷ USD để nhập khẩu ô tô và các linh kiện

Cũng theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, hiện ngành công nghiệp của Việt Nam đang có rất nhiều điểm yếu. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước hoạt động, sức mạnh rất yếu trong khi khối DN FDI hoạt động hoàn toàn tách biệt, không có sự liên kết với nhau.

Chính vì vậy, hoạt động của các DN nhỏ và vừa không có sự liên kết, tham gia được vào chuỗi giá trị, chuỗi liên kết của các DN FDI.  Ngay với nhiều DN sản xuất ô tô lớn của Việt Nam hiện nay cũng chưa làm chủ được sản xuất theo chuỗi, chỉ làm đến đâu thì tập trung cho khâu đó. “Để phát triển công nghiệp, trước mắt cần xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển đóng vai trò đổi mới sáng tạo tại các vùng kinh tế trọng điểm”, ông Hoài nói.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Xuất nhập khẩu cho rằng, bên cạnh việc công nghiệp hỗ trợ không phải triển, Việt Nam hiện chưa có cơ sở dữ liệu các DN hỗ trợ nên không thể hoạch định được chính sách. Đây là điều cần đặc biệt lưu ý nếu muốn quy hoạch, phát triển bất cứ ngành nghề nào.

“Sau bao nhiêu năm đến giờ cơ sở dữ liệu về sản xuất công nghiệp không có. Không biết DN ở đâu, ai sản xuất cái gì, công đoạn nào. Cần những con số biết nói trong khi dung lượng thị trường lớn còn nếu không sẽ rơi vào tay các DN FDI”, ông Chinh cho hay.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần xem lại hoạt động sản xuất của Việt Nam đang phụ thuộc yếu tố nào. Cùng đó cần tìm dư địa, khai thác ở đâu để điều chỉnh cơ cấu kinh tế, tăng giá trị gia tăng, phục vụ tăng trưởng. Việc tập trung vào đâu, ưu đãi chính sách gì cho các DN công nghiệp cũng là việc cần lưu tâm.

Đào, mận, táo Trung Quốc lại ồ ạt nhập vào Việt Nam

Mỗi ngày người Việt bỏ ra hơn 127 tỉ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN