Vì sao vé trận chung kết Việt Nam - Malaysia bán “đầy” chợ đen với giá cắt cổ?
Bốn đợt bán vé online trận chung kết Việt Nam – Malaysia vào ngày 15.12 tới với tổng số vé là 10.300 được VFF bán hết veo trong vòng một “nốt nhạc”. Điều khiến người hâm mộ bóng đá không khỏi bức xúc là vì sao lại tràn lan những thông tin bán vé trận chung kết với giá cắt cổ và nhiều người sở hữu tận 300 vé?
Nếu bạn gõ từ khoá "bán vé trận chung kết Việt Nam - Malaysia" thì một loạt những hình ảnh, thông tin về người rao bán vé với giá cao ngất ngưỡng. Hiện trên thị trường chợ đen, giá vé cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia trên sân vận động Mỹ Đình vào 15.12 tới đây đều tăng chóng mặt, mệnh giá vé 600.000 được chào bán lên tới 15 -20 triệu đồng/cặp.
Hết vé online trong 1 “nốt nhạc”
Như đã thông báo, LĐBĐ Việt Nam (VFF) chỉ tiến hành bán vé qua hình thức online cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình vào ngày 15.12 tới.
Theo đó, mức giá thấp nhất vẫn được giữ ở con số 200.000 VND, còn tất cả hạng vé khác đều được điều chỉnh tăng lên lần lượt là 350.000, 500.000 và 600.000 đồng.
Sau bốn đợt bán online với 10.300 vé được bán ra nhưng rất nhiều người đã không thể mua được tấm vé cổ vũ đội nhà tại sân vận động Mỹ Đình vào ngày 15.12 tới đây.
Theo VFF, bắt đầu mở bán vé online trận chung kết từ từ 10h00 sáng ngày 10.12, đỉnh điểm hệ thống bán vé online đã đón 180.000 lượt người, gấp hai lần so với đợt mở bán trận bán kết lượt về ngày 28.11.
Tính đến 22h30, website www.vebongdaonline.vn đã có 885.000 lượt người vào để tiến hành giao dịch và 30,2 triệu là con số tổng lượng truy cập sau ngày mở bán đầu tiên.
Trong quá trình khách hàng đặt mua, do lượng truy cập cùng lúc rất lớn nên chỉ có một số lượng nhất định có thể cùng lúc tiến hành các bước thanh toán.
Những khách hàng vượt quá ngưỡng tiếp nhận thanh toán sẽ tiếp tục chờ và cập nhật để có thể vào giao dịch. Vào đợt mở bán cuối cùng 10h00 sáng (11.12), đã có 150.000 lượt truy cập vào trang chủ. Tổng cộng đợt mở bán vé online này đã đón trên một triệu lượt người và 39 triệu lượt truy cập.
Trong khi chỉ 10.300 vé trận chung kết lượt về AFF Cup bán online cho khán giả, VFF dành một số lượng lớn vé cho các đối tác, nhà tài trợ, đơn vị sở hữu thương quyền. Con số này lên tới 30.000 vé khi tổng số chỗ ngồi trên sân vận động Mỹ Đình là hơn 40.000 chỗ.
Vé chợ đen “nở rộ”, giá cắt cổ
Trái ngược với tình trạng "cháy" vé bán online thì thị trường chợ đen cho thấy một lượng nguồn cung dồi dào và giá bán cũng cao chót vót, gấp vài chục lần so với giá bán của VFF. Điều đáng nói, những thông tin rao bán công khai trên mạng xã hội với giá cắt cổ khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà không khỏi bức xúc.
Theo ghi nhận, trước và ngay sau khi VFF mở bán vé online, trên các trang bán vé "chợ đen", giá vé được rao cao ngất ngưởng với nhiều mệnh giá, đa phần đều tăng đến hàng chục lần.
Nhiều người hâm mộ hoặc các "cò vé" cũng vào các trang "chợ đen" này rao yêu cầu mua vé với giá cao hoặc mua với số lượng lớn.
Vé được rao bán trên chợ mạng đa số là cặp vé, mệnh giá đầy đủ từ 200.000, 350.000, 500.000 và 600.000 đồng. Tuy nhiên giá mà các thành viên chợ vé rao bán cao gấp 10-15 lần giá gốc.
Cụ thể, các cặp vé mệnh giá 200.000 đồng/vé đang được rao bán ở mức 4.000.000 đồng/cặp, cao gấp 10 lần giá gốc. Tương tự, các cặp vé mệnh giá 350.000 đồng/vé đã lên mức 6.500.000 tới 7.000.000 đồng/cặp, cặp vé mệnh giá 500.000 đồng/vé bị đẩy lên mức 7.000.000-10.000.000 đồng/cặp vé và các vé 600.000 đồng/vé đang bị "hét" giá ở mức 11.000.000 đồng-12.000.000 đồng/cặp.
Vé rao bán trên mạng xã hội
Thậm chí, cặp vé mệnh giá 200.000 đồng còn được 1 số đối tượng chợ đen chào bán với giá 8 triệu/cặp, vé có mệnh giá 350.000 đồng có giá 12triệu/cặp, 500.000 đồng có giá 15triệu/cặp, 600.000 đồng có giá 18triệu/cặp. Đặc biệt, một cặp khán đài A (VIP) được chào bán 25 triệu đồng.
Như vậy, vận động Mỹ Đình với sức chứa khoảng 40.000 khán giả, tương ứng giá vé gốc có các mức 200.000 - 350.000 - 500.000 - 600.000 đồng. Song tại chợ đen, giá các mức vé trên đã được nâng lên gấp hàng chục lần. Tạm tính theo giá chợ đen bình quân ở mức 10 triệu đồng/cặp vé, 40.000 vé có giá trị lên tới 200 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận khủng như vậy, sẽ không ít người kinh doanh vé bóng đá kiếm lời?
Câu hỏi khiến không ít người hâm mộ bóng đá nước nhà đó là có hay không sự mập mờ trong cách bán vé của VFF khiến cơ quan thuế có thể bị thất thu hàng trăm tỷ đồng. Nếu VFF công khai bán vé theo giá thị trường, số tiền thu được có thể phân bổ một phần về liên đoàn, một phần tái đầu tư cho bóng đá, như vậy, nền bóng đá nước nhà sẽ phát triển bền vững hơn và người hâm mộ cũng sẵn sàng chi tiền mua vé xem bóng đá. Còn với cách làm hiện nay, dường như VFF đang làm giàu cho một số cá nhân.
Ông Trần Văn Liêng
Liên quan đến những bức xúc về vấn nạn vé chợ đen thời gian qua, trao đổi với An ninh Thủ đô, ứng viên Phó Chủ tịch tài chính và vận động tài trợ Trần Văn Liêng (Chủ tịch Vinacacao) cho rằng với cách định danh người mua trên vé, tình trạng vé chợ "đen" bóng đá gây bức xúc cho người hâm mộ sẽ không còn.
"Như thế khi đi xem bóng đá, vé có tên bạn rồi thì gần như sẽ không chuyển nhượng được, khi đó không có chuyện vé chợ “đen” nữa. Còn nếu VFF không đủ nhân lực, vật lực để làm chuyện đó thì có thể đấu thầu chuyển nhượng số vé cho bên thứ ba để họ bán cho người hâm mộ. Cũng như bạn đi du lịch, bên trung gian là các trang web du lịch bán vé phòng khách sạn, nhà nghỉ cho bạn với giá hợp lý, thậm chí còn rẻ hơn mức giá nếu bạn trực tiếp giao dịch với khách sạn, nhà nghỉ đó", ông Liêng nói.