Vì sao thủ phủ khoai lang ở Vĩnh Long thu hẹp diện tích trồng?
Vài năm trở lại đây, người dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nơi thủ phủ khoai lang đã thu hẹp diện tích khoai lang, thay vào đó là các loại cây trồng khác.
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất miền Tây với tổng diện tích khoảng 13.000 ha, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. 80% tập trung gieo trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, 20% là giống khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước.
Vào vụ, mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân huyện Bình Tân, nơi thủ phủ khoai lang đã thu hẹp diện tích khoai, thay vào đó là các loại cây trồng khác.
Trồng khoai lang thua lỗ, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang trồng mít.
Điển hình là gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân có 6 công đất (1 công = 1.000 mét vuông) trồng khoai lang tím Nhật nhưng nhà chị đã chuyển sang trồng lúa, thu hoạch được 3 vụ. Chị Nhung dự định trồng lúa 1-2 mùa, chờ khi được giá sẽ quay lại với cây khoai.
“Trồng lúa hết, trồng khoai cực quá mà toàn lỗ nên trồng lúa dù lời ít mà chắc. Lúa không lời nhiều hơn khoai nhưng không đến nỗi lỗ như khoai. 1 công khoai trồng đầu tư từ 15-20 triệu vốn mà khi thu hoạch không đủ trả tiền công”, chị Nhung than thở.
Chị Nguyễn Thị Chín, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân cũng như nhiều hộ nông dân khác trồng khoai lang liên tục nhiều vụ thua lỗ nên chị đã chuyển đổi 8 công đất trồng khoai sang trồng mít thái ruột vàng.
Chị cho biết, nếu mít được giá cho lời gấp nhiều lần cây khoai. Do thua lỗ, gia đình chị không trồng khoai nữa mà trồng mít với nhiều kỳ vọng hơn. “Trồng khoai lời thì ít mà lỗ thì nhiều, giá cả lúc đầu bán cũng được mà lúc sau này bán không có ổn định”, chị Chín nói.
Từ năm 2017 đến 2019, giá khai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 - 510.000 đồng/tạ (1 tạ = 60 kg). Bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp sụt giá từ 240.000 đồng/tạ, rồi 90.000/tạ và đỉnh điểm năm 2021 là 50.00/tạ.
Anh Phan Tuấn Thanh - Giám đốc công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân cho biết, hiện tại giá khoai lang không khởi sắc hơn mọi năm là bao, chỉ ở mức 100.000 đồng/tạ. Các vựa thu mua ngỡ ngàng vì lượng khoai năm nay sụt giảm cực lớn.
Nông dân giảm diện tích trồng khoai lang, chuyển sang trồng hoa màu và các loại cây khác.
Một trong những yếu tố khách quan hiện nay khiến giá khoai lao dốc thời gian dài là vướng phải chính sách kiểm soát dịch bệnh của quốc gia tiêu thụ. Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ 80% khoai lang tươi của Bình Tân, kế đến là Nhật Bản, Malaysia, Indonesia…
Nhưng hiện nay, đường biên mậu đã bị đóng băng, anh Phan Tuấn Thanh – Giám đốc công ty TNHH khoai lang Thanh Bình Tân cho biết thêm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tập - Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết, hiện diện tích trồng khoai lang giảm, do vẫn chưa xuất khẩu được nên giá khoai vẫn thấp. Địa phương tiến hành các công tác tuyên truyền và đảm bảo làm sao có được thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.
Huyện Bình Tân cơ cấu 2 vụ khoai 1 vụ lúa, nếu không trồng lúa thì trồng khoai. Địa phương cũng khuyến khích bà con giảm diện tích trồng khoai, chờ khi được giá sẽ tiếp tục sản xuất trở lại.
Nông dân giảm diện tích trồng khoai lang, chuyển sang trồng hoa màu và các loại cây khác. (Ảnh: Quang Lợi).
Theo ông Tập, Bộ NN-PT-NN đã thống nhất chọn danh mục khoai lang là sản phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã đồng ý. Sắp tới đây sẽ cấp mã số vùng trồng.
Do vậy, địa phương định hướng vận động nông dân giữ đất, giữ nghề truyền thống để đảm bảo có nguồn nguyên liệu khoai lang. Cùng với đó, địa phương rất mong đón nhiều nhà đầu tư.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ rễ đinh lăng, 8X ở Nam Định làm thành món mứt lạ, khách đặt hàng tới tấp.