Vì sao sức mua dịp Tết yếu?

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Cùng đó, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo trong khi một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Sức mua giảm từ 5-7%

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến "Đánh giá tình hình sản xuất công nghiệp, đảm bảo hàng hóa Tết Nguyên đán năm 2024 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới" ngày 16/2, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, trong tháng 1, khu vực công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, Bình Định…

Về nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết, ông Trung cho hay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước do giá đầu vào tăng.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung hàng hóa, thực phẩm cũng được tăng cường, đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Ở góc độ địa phương, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - cho biết, dịp Tết chỉ một số mặt hàng biến động nhẹ từ 5-10%, sức mua giảm từ 5-7%. Từ ngày mùng 2 Tết, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đã mở cửa bán hàng trở lại, do vậy hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định.

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa ổn định, siêu thị mở cửa suốt dịp Tết đã hạn chế tâm lý tích trữ của người dân.

Theo Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa ổn định, siêu thị mở cửa suốt dịp Tết đã hạn chế tâm lý tích trữ của người dân.

Trước đó, chia sẻ về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ngay sau Tết Nguyên đán 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết. Do đó, sức mua chỉ tăng trong những ngày cận Tết và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết.

“Trong vài tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm. Mặt bằng giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... trong những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường nhưng mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương so với cùng kỳ năm trước”, bà Thắng thông tin.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả hàng hóa ổn định và có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Chú trọng phát triển thị trường trong nước

Đưa ra 6 nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong và sau Tết công tác chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa trên cả nước được triển khai rất tốt, hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, vẫn còn những tồn tại. Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không ổn định, tình trạng gian lận thương mại vẫn xảy ra nhất trên môi trường thương mại điện tử. Cùng đó, vấn đề sản xuất công nghiệp, lưu thông phân phối còn những khó khăn vướng mắc do chồng chéo của các quy định hiện hành, sự rườm rà trong thủ tục hành chính, cũng như các rào cản thương mại mới.

Tư lệnh ngành công thương cũng đề nghị các địa phương tập trung cao độ việc rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền, đồng thời, kịp thời phản ánh với cấp trên những gì vượt thẩm quyền.

“Chú trọng phát triển thị trường trong nước bằng việc khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hạ tầng thương mại truyền thống. Từng địa phương phải xem xét, rà soát, sắp xếp lại, cố gắng tạo điều kiện để thương hiệu Việt khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ, nếu buông lỏng việc này thì các thương hiệu nước ngoài sẽ lấn át hết các thương hiệu của Việt Nam… từ đó, nâng năng lực của doanh nghiệp Việt có như vậy chúng ta mới đạt được mục tiêu của hội nhập”, ông Diên nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Không khí tại những cửa hàng bán lợn đất nhộn nhịp khi nhiều người rủ nhau đi sắm lợn đất với mong muốn xin 'vía' tiết kiệm cho cả năm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN