Vì sao hàng trăm xe thanh long Việt Nam ùn ứ ở cửa khẩu?
Hàng trăm xe chở thanh long đang bị ùn ứ ở cửa khẩu ở Lào Cai. Ngoài thanh long Việt Nam vào chính vụ, một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng trên là từ phía Trung Quốc "siết chặt" kiểm tra để chống buôn lậu.
Chiều 15/8, liên quan đến hàng trăm xe thanh long bị ùn ứ ở cửa khẩu ở Lao Cai để xuất đi Trung Quốc, với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, là do số lượng xe cùng một lúc lên quá lớn, gấp đôi với những ngày thường.
“Ngày thường chỉ khoảng 200 xe mỗi ngày, nhưng vừa rồi số lượng xe chở thanh long lên đến 400-500 xe/ngày ở cửa khẩu Lào Cai. Chưa kể số lượng xe chở thanh long đưa lên cửa khẩu ở Lạng Sơn còn lớn hơn”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, hiện khả năng thông quan của phía Việt Nam vẫn đảm bảo bình thường, trong đó kể cả vấn đề cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... sản phẩm.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang gặp một số vấn đề. “Chúng tôi đã cử cán bộ tìm hiểu và được biết, một số cầu cân phía bên Trung Quốc bị hỏng, khiến thời gian thông quan bị chậm lại. Mặt khác, vừa qua, phía Trung Quốc phát hiện một số cán bộ hải quan của họ tiếp tay cho buôn lậu”, ông Trung nói.
Chẳng hạn, xe chở thanh long, nhưng lại tuồn thêm hàng khác trong xe đó. Vì vậy, hiện phía Trung Quốc kiểm tra rất chặt chẽ, kỹ càng, từ đó cũng ảnh hưởng đến thời gian thông quan.
Thanh long Bình Thuận đang vào trà thu hoạch chính vụ
Liên quan đến việc có bị ép giá thanh long hay không, ông Trung cho biết, hiện cả thông tin từ doanh nghiệp ở khu vực cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn chưa thấy ai nói bị ép giá. “Thực tế, khi thanh long đến cửa khẩu, các thương nhân phía Trung Quốc họ đã mua, coi như hàng của họ rồi. Vì thế, vấn đề lúc này là xử lý để hàng được thông qua nhanh, tránh bị hư hỏng”, ông Trung nói.
Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục BVTV, thực hiện chương trình “chấn hưng nông nghiệp”, Trung Quốc đã đầu tư một số vùng như đảo Hải Nam trồng thanh long.
Theo số liệu Cục BVTV nắm được, diện tích thanh long của Trung Quốc đã lên đến khoảng 32.000 ha, và tới đây sẽ mở thêm diện tích ở các khu vực khác để tiến tới 68.000 ha.
“Dù diện tích của họ có tăng lên nhưng cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Chưa kể, với thanh long, chỉ ở Việt Nam mới trồng được quả có chất lượng và mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, việc Trung Quốc gia tăng diện tích trồng sẽ ảnh hưởng một phần sản lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam tới đây”, ông Trung nói.
Hàng trăm xe chở thanh long của Việt Nam phải ùn ứ ở cửa khẩu Lào Cai trước khi xuất sang Trung Quốc
Trong khi đó, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận- thủ phủ thanh long lớn nhất cả nước cho biết, hiện việc thu mua thanh long của thương lái, doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, với giá trung bình 9.000-11.000 đồng/kg tại vườn. Mức giá này, giảm khoảng 2.000-4.000 đồng/kg, so với cách đây một tuần, do sản lượng tăng lên.
“Trà thanh long đang thu hoạch là lứa cuối của chính vụ, chưa vào trà trái vụ. Sản lượng từ nay đến cuối tháng 8/2019 tương đối lớn, khoảng 70.000 tấn toàn tỉnh. Chúng tôi đang chỉ đạo các nhà vườn chong đèn để rải vụ, để nông dân lúc nào cũng thu hoạch được, tránh sản lượng dồn ứ cùng một thời điểm”, ông Tấn nói.
Hiện diện tích thanh long toàn tỉnh hơn 28.000 ha, trong đó diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 10.000 ha; sản lượng thanh long toàn tỉnh khoảng 500-600 nghìn tấn.
Ông Tấn cũng cho biết, theo thông tin từ các doanh nghiệp, Trung Quốc cũng thu hoạch thanh long. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động, kéo giãn thời điểm xuất hàng, tránh hiện tượng đẩy giá thanh long xuống.
Nhiều chủ hàng đã làm xong thủ tục phía Việt Nam từ 3-4 ngày trước vẫn chưa thể đưa hết hàng qua biên giới.