Vì sao hàng giả, hàng nhái Chanel, LV, Gucci… bán đầy chợ truyền thống, 'chợ mạng' lực lượng chức năng nay dẹp, mai lại bán?
Những chiếc túi, giày dép, quần áo, kính mắt, đồng hồ… gắn mác Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Dior… bán đầy chợ truyền thống đến "chợ mạng". Lực lượng chức năng nhiều lần vào cuộc xử lý nhưng rồi đâu lại vào đó.
Biết hàng giả vẫn... mua
Bước chân đến khu thời trang, tại tầng 1 chợ Vinh (Nghệ An) - chợ tập trung hàng hóa lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ đập vào mắt người mua với đủ loại túi xách, ví, thắt lưng, giày dép, mỹ phẩm, quần áo… gắn mác các thương hiệu "sang chảnh" trên thế giới như, Louis Vuitton, Gucci, Dior, Chanel, Adidas…
Nhiều nhất là các loại túi xách, ví, thắt lưng các hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci. Ở đây, các sạp hàng hiệu giả, nhái san sát chất hàng đầy quầy kệ, xếp ngay ngắn từ dưới nền đất, hoặc treo thẳng tắp. Không khí mua bán sôi nổi, khách thoải mái lựa chọn, trả giá, muốn hàng hiệu gì cũng có.
Nhiều mẫu túi xách đủ các thương hiệu nổi tiếng được chào bán với giá từ 200.000-1000.000 đồng tại chợ Vinh.
Chúng tôi chọn một chiếc túi xách hiệu Chanel màu đen khá xinh xắn được nhân viên bán hàng ra giá 300.000 đồng và mở lời "em cứ trả giá, được chị bán cho". Cứ thế, lượt khách đến khách đi, cả khu vực rộng lớn kinh doanh hàng hiệu giả, nhái công khai trưng bày sản phẩm, nhộn nhịp kẻ bán người mua, tồn tại suốt thời gian dài như không có vai trò của các đơn vị quản lý.
Tại các chợ lẻ việc kinh doanh hàng nhái, giả mạo không đến mức như chợ Vinh, nhưng cũng... tràn ngập công khai. Tại Trung tâm Thương mại Phủ Diễn (huyện Diễn Châu), có khá nhiều điểm bán hàng "nhái" đồng hồ Thụy Sĩ với các thương hiệu nổi tiếng như Tissot, Longines, Movado, CK... giá chỉ từ 1 đến 5 triệu đồng/chiếc, khách thoải mái lựa chọn.
"Cũng chiếc đồng hồ đó, nếu hàng "xịn" sẽ có giá hàng trăm triệu đồng. Biết là hàng nhái, nhưng nhiều người vẫn ưa chuộng vì mẫu mã đẹp, giá rẻ lại gắn mác thương hiệu nổi tiếng", một tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Phủ Diễn cho hay.
Nhiều mẫu túi có bề ngoài giống với mẫu túi của các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan trong các khu chợ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết, các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel, Gucci hay đồng hồ Rolex... có giá thành từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng khi mua những sản phẩm đó trên mạng xã hội hay trên nền tảng thương mại điện tử với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Như vậy, sản phẩm đó sẽ không thể là hàng chính hãng vì nhu cầu làm đẹp, nhu cầu "thích thể hiện", người tiêu dùng vẫn chấp nhận.
"Người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền. Có đến 80% người tiêu dùng khi mua hàng biết đó là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhưng họ vẫn mua…", ông Thủy nhận định.
Một chiếc túi xách nhái thương hiệu của có chỉ giá trên 1 triệu đồng ở cửa hàng ở TP.Vinh
Trên "chợ mạng", cũng dễ dàng mua được sản phẩm được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Versace, Louis Vuitton, Rolex... với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Trang Facebook với tên gọi "Kho hàng thùng chuẩn Âu H.Yến" với hàng ngàn lượt theo dõi rao bán đồ chính hãng với những lời mời gọi rất uy tín như: "Em về được lô túi hermes đủ màu hãng sale hàng trưng bày! Siêu cực phẩm da bò nguyên tấm khâu tay. Phiên bản Authen. Khách mua cả mấy trăm triệu…có mã check cod…"
Sản phẩm được trang facebook này giới thiệu rất đa dạng như giày dép, túi xách, quần áo chính hãng đến hàng chục thương hiệu nổi tiếng khác và được khuyến mãi lớn liên tục, trong đó có đợt đăng giảm giá đến 70%, giá giảm chỉ còn 50.000 - 100.000 đồng/sản phẩm.
Đại diện cửa hàng cho biết mức giảm có được do cửa hàng chủ động giảm để hút khách. Nhưng khi hỏi lấy gì đảm bảo là hàng chính hãng thì vị này trả lời: "Đây là hàng thùng tuyển ở Nhật về, riêng đồng hồ có bảo hành pin trọn đời…".
Khó xử lý triệt để
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An thẳng thắn chia sẻ, vấn nạn hàng giả hàng nhái chưa bao giờ dứt. "Trên mạng xã hội việc buôn bán hàng giả khá tùy tiện, việc quảng cáo hàng giả một cách thản nhiên. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp, hội viên bức xúc vì thiệt hại lớn, bị mất uy tín, thương hiệu... Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát, xử lý được vấn đề hàng giả, hàng nhái có nguy cơ làm triệt tiêu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chân chính trong nước", ông Thắng nêu rõ.
Lời chào mời của một trang Facebook với tên gọi "Kho hàng thùng chuẩn Âu HY".
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, nếu xét về bề nổi, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... ở những cửa hàng truyền thống như trung tâm thương mại, shop nhỏ lẻ có giảm. Nhưng thực tế, các hoạt động này lại đang chuyển "địa bàn" lên chợ online.
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó phòng Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phân tích thêm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn phức tạp do lợi ích lớn, nhu cầu tiêu dùng cao, cùng với đó là nhu cầu sính hàng ngoại. Đặc biệt, có cả tình trạng một bộ phận công chức tiếp tay cho các đối tượng tội phạm.
Những món đồ hàng hiệu giá bình dân được chào bán công khai trên các trang mạng xã hội.
"Rất khó để xử lý, vì những sản phẩm này nhãn hiệu độc quyền của chủ thể họ phải có đơn yêu cầu. Bởi vì trong luật khi không cho phép sử dụng mới là vi phạm. Mà trên thực tế, vấn đề này khó chứng minh được là có được sử dụng nhãn hiệu bằng miệng hoặc bằng văn bản hay không?
Nói chung là phải có đơn của chủ thể quyền của nhãn hàng phản ánh lực lượng chức năng mới có quyền xử lý. Ngoài ra, các chủ thể này phải phối hợp và có đơn phản ánh phối hợp lực lượng chức năng để cung cấp chứng cứ xử lý. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều không phối hợp để giải quyết triệt để…", ông Nguyễn Văn Thủy chia sẻ.
Thời gian qua, trước khiếu nại của các thương hiệu lớn, một số trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng có những "đợt ra quân" quét từ khóa để dẹp bớt hàng hiệu giả, nhái, thậm chí hàng xách tay, nhưng tình hình đâu lại vào đó.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An thu giữ hàng hóa là giày dép của cơ sở kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay việc kinh doanh hàng hóa giả nhãn hiệu đang diễn biến tinh vi, phức tạp nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử nên việc phát hiện, xử lý gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, chủ thể quyền của các hãng, các nhãn hàng không có đơn kiện, người tiêu dùng không lên tiếng phản hồi mà mặc nhiên tiêu thụ, vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lưu thông…. Bên cạnh đó hầu hết các kho hàng giả, hàng nhái lớn đều ở vùng rìa hoặc tỉnh thành khác so với điểm bán lẻ. Do đó, muốn triệt phá dứt điểm phải có sự liên kết giữa các địa phương.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Nghệ An nhấn mạnh nếu kiểm soát chặt khu vực cửa khẩu, biên giới thì tình trạng kinh doanh hàng nhái, giả trong nội địa sẽ giảm nhiều.
Cùng với sự bùng nổ thương mại điện tử, livestream bán hàng, tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp hơn các năm trước.
Nguồn: [Link nguồn]