Vì sao cá ngừ Việt Nam khó đi Mỹ?

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa đi Mỹ đã bị trả lại hàng vì không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 22/10, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá ngừ đại dương đi Mỹ gặp khó khăn, bị trả hàng liên tục vì cá nhiễm vi sinh như khuẩn E.Coli, Salmonella…

Theo website của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), chỉ riêng lỗi vi phạm nhiễm vi khuẩn đã có trên 90 DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nằm trong danh sách cảnh báo đỏ, buộc phải kiểm tra gắt gao. Ở Khánh Hòa, gần 10 DN có xuất khẩu cá ngừ bị nằm trong danh sách này.

Vì sao cá ngừ Việt Nam khó đi Mỹ? - 1

Bảo đảm vệ sinh cá ngừ phải được thực hiện từ khâu đầu tiên.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững, công ty từng bị trả 20 tấn cá ngừ phi lê do FDA phát hiện nhiễm vi sinh Salmonella (gây bệnh thương hàn, đường ruột). Sau đó, công ty bị FDA liệt vào danh sách cảnh báo. Để được rút khỏi danh sách này, sản phẩm của DN phải đạt 12 lần kiểm tra liên tục. Mỗi lần bị trả hàng, ít nhất công ty lỗ khoảng 8.000 USD chi phí cho tiền vận chuyển về, lưu container, phí kiểm tra. Lô hàng bị trả về thường được xử lý lại để bảo đảm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, có nhiều lô mặc dù xử lý diệt khuẩn hàng chục lần nhưng xuất khẩu trở lại vẫn bị trả về khiến DN mất trắng hàng trăm ngàn USD.

“Khác với châu Âu chỉ cần truy xuất nguồn gốc, căn cứ nhiều vào giấy tờ hợp lệ, thị trường Mỹ không quan trọng giấy tờ mà họ kiểm nghiệm thực tế chất lượng mặt hàng. Việc bị công bố sản phẩm nhiễm vi sinh khiến DN Việt Nam mất uy tín với đối tác, bị kiểm tra gắt gao hơn” - bà Thanh nói.

Về nguyên nhân cá nhiễm khuẩn, theo các DN thu mua cá ngừ, sau khi mua cá về, các DN đều xử lý rất kỹ như: rửa bằng nước sạch, ngâm trong nước có pha chlorine khoảng 15 phút, sau đó vớt ra rửa tiếp bằng nước sạch rồi mới xử lý phi lê. Cá phi lê sẽ được đưa qua hệ thống diệt khuẩn và kiểm nghiệm trước khi xuất khẩu. “Tuy nhiên, dù kỹ đến đâu thì các DN vẫn dính một vài lô hàng bị nhiễm bẩn. Nguyên nhân có thể từ khâu rã đông của các vựa cá đã nhiễm vi sinh” - ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương - đơn vị từng bị trả hàng vì cá nhiễm khuẩn, nhận định.

Qua tìm hiểu cho thấy theo quy trình, khi bảo quản cá ngừ đại dương, tàu cá sẽ rải một lớp đá xay sau đó xếp một lớp cá, rồi lại đến một lớp đá xay. Khi tàu cập cảng, các lớp cá ngừ và đá đã đông cứng thành một khối. Muốn lấy cá ra nguyên vẹn thì bắt buộc phải dùng nước để rã đông. Tuy vậy, tại chợ thủy sản Nam Trung Bộ nằm trong cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nơi hiện có khoảng 20 vựa thu mua hải sản, trong đó có nhiều vựa thu mua cá ngừ để xuất khẩu đi Mỹ, Canada…, các chủ ghe, chủ vựa lại dùng nước biển ngay dưới cảng để rã đông cá. Điều này khiến nguy cơ cá nhiễm vi khuẩn tăng cao bởi người dân ở khu vực này thường xả nước thải sinh hoạt ngay khu vực cảng khiến nguồn nước ở đây ô nhiễm nặng.

Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, cho rằng cảng Hòn Rớ không thiếu hệ thống nước sạch đã qua xử lý do Nhà máy Nước Khánh Hòa cung cấp. Có chăng các chủ ghe, chủ vựa tiết giảm chi phí nên đã bơm nước bẩn dưới cảng để rã đông. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN