Vì sao bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt?

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trong các nội dung đưa ra có đề cập đến vấn đề sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Cụ thể, bộ Công Thương cho biết, ngày 30/12/2019, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có công văn gửi bộ Công Thương báo cáo về Đề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện".

Trên cơ sở báo cáo của EVN, bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và đã có công văn lấy ý kiến các cơ quan, Bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố và các tổ chức, hiệp hội.

Bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá điện vì dịch Covid-19. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử bộ Công Thương)

Bộ Công Thương xin lùi thời gian sửa biểu giá điện vì dịch Covid-19. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử bộ Công Thương)

Đến hết ngày 26/3/2020, bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị.

Tuy nhiên, ngày 31/3 vừa qua, bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay.

Theo bộ Công Thương, lý do là Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có bộ Công Thương đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19, chống dịch Covid-19.

Vì thế, bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Như Người Đưa Tin Pháp Luật đã đưa, trước đó, bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo đó, bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Lý giải về việc đề xuất Biểu giá điện 5 bậc thang, bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản và có những phân tích cụ thể.

Phương án biểu giá 5 bậc theo kịch bản 1 đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700 kWh sẽ có tiền điện phải trả giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.

Giá điện sinh hoạt 5 bậc trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Ưu điểm của kịch bản này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, đồng thời nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện, khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Trong khi đó, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với hiện hành. Mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tăng chênh lệch giá giữa bậc thang đầu và bậc thang cuối.

Tuy nhiên, kịch bản này có nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng, tương ứng khoảng 1,1% tổng số tiền điện phải trả.

Đối với kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Ưu điểm của kịch bản này đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện.

Ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.

Theo kịch bản này, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi so với hiện hành. Phương án này có mức chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 1,86 lần, thấp hơn so với phương án 5 bậc, kịch bản 5.1 nêu trên.

Tuy nhiên, về nhược điểm, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200 - 300 kWh/tháng (khoảng 3,6 triệu hộ) và từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ) phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000 - 14.000 đồng/hộ/tháng (các nhóm khách hàng khác được giảm tiền điện phải trả). Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.

”Chum vàng” trĩu cành, đặc sản lừng lẫy cả nước, gần 1 triệu/kg

Hình dáng độc đáo của chúng khiến nhiều người tò mò và được quan niệm có thể đưa lại may mắn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN