Vì sao 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thoát án phạt tước giấy phép kinh doanh?
Bộ Công Thương cho biết tạm thời chưa thực hiện án phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như công bố trước đó.
Ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của đầu mối này với tổng số tiền xử phạt là 13 tỷ 344 triệu đồng.
Ngoài hình thức xử phạt tiền còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối trong thời gian 1 tháng gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro).
Có 12 doanh nghiệp bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công thương
Như vậy, đến nay đã có 12 doanh nghiệp bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công thương.
Sau khi những thông tin về việc tước giấy phép có thời hạn được công bố, Saigon Petro, một trong 5 doanh nghiệp bị tạm tước giấy phép lần này, đã có văn bản gửi tới Thủ tướng, Bộ Công thương và cho rằng việc này sẽ gây ra hàng loạt hậu quả.
"Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp", văn bản của Saigon Petro nêu.
Về vấn đề tước giấy phép kinh doanh của 5 thương nhân đầu mối xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/9, Bộ Công Thương đã có báo cáo cụ thể.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa), do đó sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
Để hạn chế việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu do việc tước giấy phép kinh doanh của 5 đơn vị có thể gây ra, ngay trong chiều 6/9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tổ chức họp và đưa ra hướng xử lý trước mắt phạt hành chính kịch khung để thực hiện đúng theo biên bản thanh tra. Còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn thì vẫn áp dụng nhưng áp dụng trong một thời điểm phù hợp. Như vậy, chúng ta phải xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật dù là thương nhân đầu mối hay hệ thống của doanh nghiệp.
"Chúng ta phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương luôn lưu ý tới những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt. Đồng thời, quan trọng nhất là bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và 100 triệu dân của cả nước. Bộ Công Thương cho rằng việc này là rất quan trọng và Bộ đang khẩn trương xử lý và tìm được phương án tốt nhất trong thời điểm hiện nay" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Do kết quả kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021, mức thù lao của tỷ phú Trần Đình Long và các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng giảm mạnh.