Về nơi người dân nuôi loại côn trùng là nguyên liệu để sản xuất máy bay, đồ điện tử, mỹ phẩm kiếm bộn tiền
Ở vùng biên giới Việt Nam – Lào qua địa phận huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nhiều năm qua bà con người Mông, người Thái vẫn duy trì nghề nuôi cánh kiến đỏ. Nuôi cánh kiến đỏ cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng rừng.
Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh ở các cây chủ. Nhựa cánh kiến đỏ đặc biệt được ưa chuộng và có nhu cầu cao trên thị trường. Trong y học, nó có tính thanh nhiệt, giải độc. Trong công nghiệp, nhựa cánh kiến dùng để làm phẩm màu, sơn và mạ những sản phẩm đòi hỏi chịu nhiệt, acid và tác động của khí hậu khắc nghiệt.
Sản phẩm từ cánh kiến còn được sử dụng trong ngành hàng không để sản xuất, chế tạo máy bay, đồ điện tử cao cấp; dùng rộng rãi trong dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm...
Trên các cánh rừng ở huyện Kỳ Sơn, cánh kiến được nuôi trên những loài cây có nhựa như pịt niệng, đậu thiều, cọ khiết, cọ phèn...
Nghề nuôi cánh kiến đỏ xuất hiện ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ số ít hộ nuôi, sau đó, nhận thấy giá trị của cánh kiến đỏ có thể giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Thời điểm đó, Kỳ Sơn có hàng trăm ha nuôi cánh kiến. Nghề nuôi cánh kiến đỏ xuất hiện ở nhiều xã, Nậm Cắn, Phà Đánh, Keng Đu, Huồi Tụ… Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí trở nên khá giả nhờ cánh kiến.
Cánh kiến đỏ sống trên nhiều cây chủ, gồm các loại cây có nhựa như pịt niệng, đậu thiều, cọ khiết, cọ phèn, thậm chí cả cây sung, cây vả cũng nuôi được. Nhựa cánh kiến là phần dịch do kiến tiết ra trên thân cây…
Ở Kỳ Sơn, người dân chủ yếu trồng cây pịt niệng để nuôi cánh kiến đỏ. Nghề này không đòi hỏi quá cầu kỳ. Từ tháng 4, bà con bắt đầu thả giống, cấy rệp cánh kiến đỏ vào thân cây chủ, rệp dần lan rộng và bám khắp cành cây thành những mảng màu trắng, đến tháng 10 thì thu hoạch, hoặc gối vụ từ cuối năm sang mùa Hè năm sau.
Ông Vi Văn Bình kiểm tra nuôi cánh kiến giống trên thân cây chủ.
Hiệu quả từ việc nuôi cánh kiến đỏ trên cây thân chủ thấy là thấy rõ, nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là diện tích nuôi cánh kiến đỏ tại các địa phương ở Nghệ An vẫn còn quá ít.
Ông Vi Văn Bình ở bản Na xã Hữu Lập (H.Kỳ Sơn), cho biết gia đình ông sống ở xã Hữu Lập nhưng ông vào tận xã Na Loi để nuôi cánh kiến trên hơn 100 cây chủ. "Hơn 100 cây chủ này, tôi chỉ thả trong vòng chưa đầy 1 tuần, chỉ những năm lạnh quá rệp giống bị chết mới phải thả nuôi lại. Một cây chủ thường thu về khoảng 5 - 15 kg nhựa, năng suất tùy thuộc cây to hay nhỏ, loại cây nhiều nhựa hay ít nhựa, cá biệt, có những cây to thu hàng tạ nhựa/năm. Nhựa thu hoạch về phơi ra sân để khô rồi bán, nhựa có thể để được từ năm này sang năm khác không bị hỏng", ông Bình nói.
"Nuôi cánh kiến đỏ không phức tạp, khó khăn lắm, mà có thu nhập ổn định hơn một số cây trồng khác ở miền núi. Nhưng hiện tại người dân không mấy mặn mà vì giá cả bấp bênh, nên bà con không chịu trồng", ông Bình nói thêm.
Nuôi cánh kiến đỏ lấy nhựa là nghề truyền thống ở nhiều xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn.
Ở xã Na Loi bây giờ chỉ còn 5- 6 hộ nuôi cánh kiến. Hiện tại, nhựa cánh kiến được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng có những thời điểm cách đây 5- 6 năm giá xuống tới 15.000- 20.000 đồng/kg, lại có những năm giá lên tới trên dưới 1,5 triệu đồng/kg.
Ông Nguyễn Sỹ Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, nuôi cánh kiến đỏ là một trong những nghề đã giúp nhiều gia đình người dân tộc Thái, Mông ở huyện Kỳ Sơn có thêm thu nhập. Nguyên nhân khiến nghề nuôi cánh kiến dần mai một là do kiến thức nuôi cánh kiến đỏ của người dân hạn chế, nạn phá rừng làm nguồn giống rệp cánh kiến đỏ, diện tích cây chủ bị thu hẹp và giá cả thị trường thì bấp bênh.
Kỳ Sơn hiện có trên 150 ha cây chủ đủ điều kiện để gây giống nuôi thả cánh kiến, và nếu phát triển lại như thời kỳ "hoàng kim", mỗi năm huyện Kỳ Sơn cần ít nhất 10 tấn giống cánh kiến đỏ. Tuy nhiên, do đặc thù khu vực miền núi, địa hình phức tạp và khí hậu thất thường nên việc nuôi cánh kiến đỏ cũng tùy thuộc vào từng nơi, từng khu vực. Diện tích trồng, nuôi cánh kiến đỏ hiện nay chưa nhiều, nhưng cũng góp phần đáng kể cho kinh tế người dân.
Cánh kiến đỏ là chất nhựa màu đỏ do loài rệp son có tên khoa học Laccifer lacac Kerr, thuộc họ sâu cánh kiến, tiết ra. Nhựa được dùng trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường. Theo đông y, cánh kiến đỏ có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, cầm máu... |
Nguồn: [Link nguồn]
Nhìn bề ngoài, sùng đất dễ khiến ta có cảm giác rùng mình nhưng khi ăn thử, nhiều người tấm tắc khen ngon.