Về ngoại ô, xem lợn rừng chạy bộ... cho tiêu mỡ

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngoài việc chọn khẩu phần ăn đặc biệt cho đàn lợn rừng như: Cỏ voi, thân cau vua, bã bia… hàng ngày, người chăn nuôi còn chạy bộ với lợn rừng để tiêu mỡ và chắc thịt.

Về ngoại ô, xem lợn rừng chạy bộ... cho tiêu mỡ - 1

Trang trại nuôi lợn rừng của gia đình anh Dần theo hình thức bán hoang dã, cho ăn thức ăn tự nhiên. Ảnh: PV

Khởi nghiệp từ một con lợn rừng“kẹp nách”

Sau bao năm bôn ba làm ăn và tích cóp được một số vốn, anh Nguyễn Văn Dần (44 tuổi) ở thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội dựng trang trại, thực hiện ước mơ nuôi lợn rừng ở vùng ngoại ô.

Anh Dần kể, trước đây người dân chỉ biết nuôi lợn nhà chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc đưa giống lợn rừng về nuôi. Ấp ủ dự định, trong một chuyến thăm bạn cũ ở Lạng Sơn, anh Dần đã “kẹp nách” một con lợn rừng mang về. Thời gian đầu do không quen với điều kiện khí hậu, ăn uống nên con lợn bị bệnh tiêu chảy, ốm yếu. Sau nhiều đêm vò đầu, bứt tóc, anh nghĩ ra cách cho lợn ăn những thứ tự nhiên để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, anh còn thả lợn ra vùng đất đồi để vận động, chạy nhảy. Không lâu sau đó, con lợn tăng trưởng nhanh, rắn chắc.

Con lợn rừng đầu tiên sau thời gian chăn nuôi và làm thịt đã cho thớ bì dày, nhiều thịt nạc, thịt giòn, ngon tự nhiên khiến người dân trong thôn ăn 1 lần nhớ mãi. Từ thành công bước đầu, anh Dần tìm mua những con giống chất lượng (ngực sâu, mình nở, lưng thẳng, bộ phận sinh dục phát triển…) kết hợp với phương pháp riêng để tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn rừng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn rừng của mình, anh Dần cho biết, thức ăn của lợn rừng chủ yếu là cỏ voi, cây cau vua, rau chuối, khoai lang… đặc biệt nhất là lá thuốc được cho lợn ăn thường xuyên để tăng sức đề kháng. Theo nhẩm tính, trong 10 năm trở lại đây riêng nhà anh Dần đã xuất chuồng hàng nghìn con lợn rừng thương phẩm.

Sáng nào cũng chạy với… lợn

Về ngoại ô, xem lợn rừng chạy bộ... cho tiêu mỡ - 2

Một con lợn rừng sau khi chăn nuôi 12 tháng đạt 30 - 40kg có thể xuất bán thương phẩm với giá cao gấp 3 – 5 lần so với lợn thịt thông thường.

Mấy năm nay, mảnh vườn rộng 6 sào của nhà anh Dần trở thành chuồng của những chú lợn rừng giống. Điểm chú ý của khu đất này là không hề phẳng phiu mà rất gồ ghề, nhiều khúc gập gềnh lên xuống. Cậu thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Văn Tùng (con trai anh Dần) bảo: “Nhà em nuôi lợn mà chẳng khác gì sống trên rừng. Sáng nào em và đàn lợn cũng đuổi nhau chạy cả tiếng đồng hồ. Thành thử giờ cứ thấy người theo thói quen là đàn lợn co cẳng chạy”.

Theo Tùng, đối với lợn thương phẩm thì lượng thức ăn tinh là từ 800 gam đến 1kg mỗi ngày. Thành phần chính của thức ăn là từ ngô xay bột và cám mỳ. Hai loại thành phần này được nấu chín và ủ trong vòng 24 giờ sau đó hòa với nước cho lợn ăn. Hiện tại gia đình anh Dần đang có hơn 3 sào trồng cỏ voi và 200 - 300 cây cau vua là nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn lợn.

Trải qua nhiều biến động của thị trường, anh Dần chia sẻ: “Mấy năm trở lại đây, giá cả lợn giảm mạnh, lợn công nghiệp sụt giá và lợn rừng cũng giảm theo, nhiều hộ gia đình sa sút, có nhà phải bỏ nghề. Rất may, đến thời điểm hiện tại, giá lợn đã tăng lên chút ít, cuối năm gia đình tôi sẽ xuất từ 70 – 100 con lợn thịt ra thị trường”. Theo quan sát, trong chuồng trại nhà anh Dần đang có trên 100 con lợn, trong số đó, đàn lợn đực dùng để phối giống được nuôi tách biệt để đảm bảo nguồn giống tốt nhất.

Về ngoại ô, xem lợn rừng chạy bộ... cho tiêu mỡ - 3

Một khoảng vườn rộng để đàn lợn chạy bộ và tắm nắng.

Cùng ở xã Đông Xuân, lão nông Trần Doanh Nhàn là một trong số ít gia đình thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã của thôn Đá Thâm. Nuôi “đặc sản” lợn rừng với quy mô khá lớn, nhưng ông Nhàn xuất bán vô cùng thuận lợi. Các nhà hàng, khách sạn thi nhau đánh xe tải về tận nhà bắt lợn. Mỗi năm, ông bán hơn 100 con lợn rừng với giá từ 130.000 – 180.000 đồng/kg. Trừ chi phí ông còn lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Nhàn thổ lộ, để thịt lợn rừng ngon ngoài chọn con giống chất lượng, người nuôi phải có phương pháp riêng trong việc tạo ra khẩu phần ăn phù hợp với đàn lợn rừng. Ngay từ lúc khởi nghiệp chăn nuôi lợn rừng, ông đã áp dụng phương thức bán chăn thả và không dùng cám công nghiệp. Có thời điểm, đàn lợn rừng của nhà ông tỷ lệ mỡ nhiều nên bị thương lái ép giá. Như năm ngoái, cả vài chục con lợn rừng đến lúc xuất bán nhưng không có người mua khiến ông thất thu.

Chính vì vậy, ông đã tìm ra cách nuôi lợn rừng theo hướng dân dã là: Chạy bộ cùng lợn. Ngoài việc cho lợn ăn nhiều rau, củ, quả thì thói quen chạy bộ hàng ngày, tắm nắng… sẽ giúp lợn chắc khỏe, thịt thơm ngon hơn. “Trước đây, dân ta vẫn hay dùng cụm từ “gà đi bộ”, tôi nghĩ sao không thể là “lợn đi bộ”. Chính vì vậy tôi quây toàn bộ đất đồi, đất vườn thành nơi thả lợn. Đêm lợn về chuồng nghỉ, ngày thả rông trong rừng. Được nuôi bằng phương pháp tự nhiên nên đàn lợn con sinh ra không phải tốn nhiều công sức để chăm sóc. Cứ một con lợn rừng nuôi chừng 30kg (mất khoảng 12 tháng) là xuất bán”, ông Nhàn cho hay.

Ông Nhàn cũng chia sẻ, lợn rừng thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 8-10 con. Lợn con có bộ lông sọc dưa (vệt lông màu vàng chạy dọc thân trên nền da màu đen hoặc nâu). Khi lợn con trên 3 tháng tuổi, các vệt sọc dưa này không còn nữa. Quá trình lợn đẻ diễn ra tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người.

Những lão nông bắt nhịp thị trường

Theo chia sẻ của những lão nông xã Đồng Xuân, đặc điểm dễ nhận biết nhất về lợn rừng là chúng có bộ lông dài hơn lợn bình thường và nhìn thấy những cọng lông này rất cứng cáp, má có màu trắng còn chân đen chắc. Về thịt lợn rừng thương phẩm điều dễ phân biết với thịt giả mạo hay thịt bình thường ở chỗ - bao giờ thịt lợn rừng cũng có ba lớp: Da đến lớp mỡ mỏng mới đến thịt. Trông miếng thịt chắc và nạc. Để theo kịp thị trường, gia đình ông Nhàn, anh Dần và nhiều hộ dân khác còn nhận làm thịt lợn tại gia đình và đóng từng phần vào thùng xốp giao cho khách hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân – Vi Bình (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN