Vẽ đường cho thực phẩm “bẩn”?

Bộ NN&PTNT vừa đề xuất Chính phủ cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh. Đáng nói, loại thực phẩm này trong nước không thiếu, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, vốn vẫn bị gọi là thực phẩm “bẩn” vì được tẩm ướp hóa chất bảo quản độc hại.

Lý do không thỏa đáng

Công văn do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám ký gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề xuất Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được nhập trở lại đối với sản phẩm nội tạng trắng đông lạnh.

Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), số lượng thịt gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu tăng nhanh chóng, đa dạng, gồm thịt bò, trâu, lợn, gia cầm và các sản phẩm động vật. Trong đó, chỉ tính riêng nội tạng đỏ như tim, gan… nhập khẩu năm 2011 là 915,49 tấn và 2012 là 986,99 tấn.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện một số lô hàng nội tạng có vấn đề về ATTP, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn 1152 ngày 7-7-2010 yêu cầu Bộ NN&PTNT tạm dừng kiểm dịch mặt hàng nội tạng trắng.

Nhưng sau hơn 2 năm, không hiểu lý do vì sao, Bộ NN&PTNT lại kiến nghị cho nhập khẩu trở lại loại thực phẩm không cần thiết lại mang nhiều nguy cơ về ATTP này? Dù mới là kiến nghị Chính phủ, nhưng đề xuất của Bộ NN&PTNT đã gặp sự phản ứng của các chuyên gia thú y và người tiêu dùng cả nước.

Vẽ đường cho thực phẩm “bẩn”? - 1

Nội tạng ít giá trị dinh dưỡng nhưng nguy cơ “đầu độc” lại cao

Lý giải nguyên nhân đề xuất nhập khẩu trở lại loại thực phẩm này, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc ngừng nhập khẩu nội tạng trắng kéo dài đang tạo ra những khó khăn trong quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn trong WTO.

Thêm đó, khối lượng nội tạng trắng nhập về trước đây cũng không phải lớn và chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính như sách trâu bò, dạ dày, tràng, ngẩu pín, tinh hoàn, mề gà. Số lượng nhập theo Cục Thú y năm 2009 là 447,78 tấn, năm 2010 là 22,57 tấn. Hơn nữa, năng lực và biện pháp kiểm soát ATTP đối với sản phẩm động vật nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện hơn trước.

Không được đầu độc người dân

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam bày tỏ, không nên cho phép nhập khẩu nội tạng, đặc biệt lại là nội tạng trắng. Theo ông Vang, nội tạng luôn chứa hàm lượng cholesterol cao; khả năng tồn dư các độc tố rất lớn, không tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng. “Tôi khẳng định, nếu Bộ NN&PTNT tham khảo ý kiến các nhà khoa học, người dân thì chắc chắn họ đều phản đối”.

Một chuyên gia đầu ngành Thú y, từng là Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nội tạng trắng không có giá trị dinh dưỡng thiết thực đối với con người; trong nước không thiếu lại rất khó quản lý ATTP, nhất là quản lý về bảo quản. “Không nên cho nhập trở lại loại thực phẩm này khi mình chưa quản lý, kiểm soát được. Hiện, chỉ quản lý nhập lậu chúng ta cũng làm chưa tốt, còn lộn xộn, vậy cho nhập khẩu nữa thì sẽ quản lý kiểu gì?”.

Cũng theo chuyên gia này, khâu kiểm dịch ATTP cửa khẩu từ lâu đã là nỗi lo chung, đến nay chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để làm tốt việc này. Lý do một số nước trong WTO gây áp lực mà Bộ NN&PTNT đưa ra, được chuyên gia này cho rằng, quá khiên cưỡng, không thỏa đáng. “Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm xem xét mức độ ảnh hưởng quan hệ như thế nào, giải trình thêm cho thấu đáo”.

Cuối cùng, vị chuyên gia đầu ngành thú y phản ánh: “Cần cân nhắc, xem xét kỹ giữa cái lợi và tác hại, năng lực quản lý trong nước, tránh gây áp lực thêm cho công tác đảm bảo ATTP trong bối cảnh hiện nay”.

Phần lớn các nước, người dân không sử dụng nội tạng làm thực phẩm cho người, mà chỉ dùng chế biến cho chăn nuôi thì Việt Nam lại cho nhập khẩu về làm thực phẩm. Đáng nói, loại hàng hóa này không có giá trị về mặt dinh dưỡng, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP rất cao.

Các lô hàng lòng, tràng, dạ dày… tẩm ướp hóa chất bảo quản, vận chuyển hàng tháng trời trên biển đã từng được phát hiện. Tại sao Việt Nam phải nhập những thứ đó về tiêu thụ? “Một số nước ngày càng tạo sức ép và áp dụng các biện pháp tác động đến xuất khẩu của ta như Hoa Kỳ ngày càng kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với một số sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam, nhiều lô hàng vi phạm đã bị buộc tái xuất… Hay EU cũng áp dụng biện pháp kiểm dịch chặt chẽ với rau gia vị Việt Nam…Cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng sẽ giúp Việt Nam xử lý những vướng mắc này”, Bộ NN&PTNT khẳng định.

Để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, xu hướng chung của tất cả các nước là xây dựng rào cản kỹ thuật. Do đó, lý do mà Bộ NN&PTNT đưa ra là khó có thể chấp nhận được.

“Nếu Chính phủ cho phép nhập trở lại loại thực phẩm này thì chúng tôi, với chức năng là cơ quan kiểm soát thú y vùng (thuộc Cục Thú y) sẽ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu không làm được thì chúng tôi cũng sẽ đi thuê người, máy móc để làm. Nhưng, tại cửa khẩu Lào Cai, nội tạng động vật chưa bao giờ được nhập khẩu chính ngạch”, ông Hoàng Chính Phương - Phó Chi cục trưởng phụ trách - Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai cho biết.

Chiều 11-1, phóng viên đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, người trực tiếp ký công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xin nhập trở lại nội tạng trắng để tìm hiểu. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tám từ chối vì bận họp và lý do đã được nêu đầy đủ trong công văn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Nhung (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN