Vắt mật ong ngoại bán kiếm hàng trăm triệu đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Tết âm lịch năm 2019 ngày càng tới gần, cũng là lúc ông Nguyễn Hữu Sinh (sống ở tiểu khu 30/4, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vắt mật đàn ong ngoại. Người dân địa phương thường gọi là “vắt mật con nọc độc” bán tết, mỗi năm ông đút túi 200 triệu đồng.

Chăm ong như chăm trẻ nhỏ

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) càng rộn ràng, tấp nập dòng người qua lại mua ong mật ngoại của lão nông cần mẫn như đàn ong thợ. Từ 1 hộ gia đình khó khăn, thiếu thốn, nay ông Nguyễn Hữu Sinh đã trở nên giàu có nhờ phát triển nghề nuôi ong mật.

Nhờ vậy, cuộc sống thường ngày cũng như cái tết đang cận kề của gia đình ông trở nên ấm áp, bình an và đủ đầy hơn trước.

Vắt mật ong ngoại bán kiếm hàng trăm triệu đồng - 1

Vắt mật ong ngoại bán kiếm hàng trăm triệu đồng - 2

Vắt mật ong ngoại bán kiếm hàng trăm triệu đồng - 3

Ông Sinh đang chuẩn bị vắt mật ong để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.  Ảnh: H.H

"Nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Tôi có nhiều năm trong nghề nuôi ong nên ít nhiều cũng hiểu được tập tính của đàn ong, biết đâu là mật tốt chất lượng, đâu là mật kém chất lượng…”.

Ông Nguyễn Hữu Sinh

Chia sẻ với PV NTNN, ông Sinh cho biết: “Tôi nuôi ong mật vì đây là công việc mang lại nhiều lợi ích, đầu ra cho sản phẩm mật cao và ổn định. Nuôi ong ngoài thu được nguồn mật sạch còn giúp cây cối trong vườn gia đình thụ phấn tốt, đơm hoa, kết trái hơn. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa làm rẫy và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ”.

Con ong thường mắc phải bệnh tiêu chảy... nếu không kịp thời phát hiện để trị thì dễ lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn. Nhưng muốn phát hiện bệnh nhanh thì người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng mức, sẽ làm lây lan bệnh dẫn đến mất cả đàn ong. Chỉ có sự kiên trì học hỏi thì mỗi người mới đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân.

Theo kinh nghiệm của ông Sinh, nuôi ong cần chọn địa điểm có không gian rộng rãi, trong sạch. Không bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, hóa chất độc hại của các nguồn gây ô nhiễm, khu chứa nước thải, cống rãnh, nhà vệ sinh công cộng và trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tránh đặt ong gần các cơ sở chế biến đường thủ công, các nhà máy chế biến đường, bánh kẹo, nước ngọt.

Địa điểm nuôi ong cần đặt tại khu vực có nhiều nguồn cung cấp mật, phấn hoa, tránh các khu vực mà nguồn cung cấp phấn hoa có nguy cơ ô nhiễm hóa chất. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Nếu bảo đảm các yếu tố trên mật ong sẽ có chất lượng tốt và thu được nhiều mật bán tết.

Dễ mà khó

Cũng theo ông Sinh, nuôi ong mật giống như kiểu du mục, nay đây mai đó. Lúc đến mùa nhãn, mùa xoài, vải... ông  phải tìm các địa điểm có hoa nở nhiều để mang tất cả đàn về đó, thậm chí ông còn phải sang các tỉnh, thành khác để đưa đàn ong đi hút phấn hoa. Khi đến mùa đông thì nuôi dưỡng chúng bằng đường với sirô, nước tăng lực đựng vào khay nhựa đặt trong thùng, lúc nào ong đói chúng sẽ bay xuống ăn, như vậy sẽ đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn ong.

“Nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Tôi có nhiều năm trong nghề nuôi ong nên ít nhiều cũng hiểu được tập tính của đàn ong, biết đâu là mật tốt chất lượng, đâu là mật kém chất lượng. Hiện, tôi nuôi 210 đàn ong mật ngoại, mỗi khi Tết đến nhiều khách hàng ở trong tỉnh đều đến tận nhà tôi mua hoặc gọi điện đặt hàng làm quà biếu, làm thuốc chữa bệnh... Ngoài ra, tôi còn bán mật cho các thương lái và đại lý ở miền Trung. Vì thế mà giá cả luôn đạt được mức cao và ổn định, mỗi năm tôi có lãi khoảng 200 triệu đồng” -  ông Nguyễn Hữu Sinh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN