Vào TPP, vui một nửa!

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nói như vậy về những lợi ích thấy trước và các điều khoản thiếu tích cực trong cam kết TPP vừa công bố

 Phóng viên: Thưa ông, toàn văn cam kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được công bố tuần qua, đâu là lợi ích dễ thấy nhất của Việt Nam khi TPP vận hành?

- Ông Nguyễn Xuân Thành: Hiệp định TPP gồm 30 chương, trong đó các cam kết về xóa bỏ thuế quan sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam; tiếp đó là dịch vụ và đầu tư.

Vào TPP, vui một nửa! - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Về xóa bỏ thuế quan, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt  Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm.

Mỹ cam kết bỏ thuế ngay lập tức đối với nhiều hàng dệt may từ 11 nước TPP, trong đó có Việt Nam, thay vì mức thuế trung bình 17,5% như hiện tại. Đáng chú ý, hàng dệt may của Việt Nam được sử dụng một số loại vải, nguyên phụ liệu ngoài TPP trong vòng 5 năm và vẫn được hưởng ưu đãi thuế đầy đủ theo như quy định trong hiệp định.

Đối với thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước TPP, trong đó trên 65% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm; các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Trong lĩnh vực dịch vụ, Việt Nam và những nước thành viên cho phép các tổ chức triển khai các dịch vụ tài chính qua biên giới mà không cần phải thành lập chi nhánh, cơ sở hoạt động ở nước sở tại. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp mà cá nhân (như chuyên gia tư vấn chẳng hạn) nước ngoài được vào Việt Nam mở dịch vụ, chuyên gia trong nước thì được ra nước ngoài mở dịch vụ. Đây là điểm mới, thông thoáng.

Về đầu tư, các thành viên TPP thống nhất nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử. Vậy là trong khoảng 2 năm nữa, chúng ta tin sẽ có dòng vốn đầu tư mới, lớn hơn từ TPP chảy vào Việt Nam.

Vào TPP, vui một nửa! - 2

Khi TPP có hiệu lực, Mỹ cam kết bỏ thuế ngay lập tức đối với nhiều mặt hàng dệt may từ Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

* Điều được trông cậy từ TPP là áp lực để cải cách hành chính, thể chế… nhằm tăng sức mạnh nội tại, phù hợp với khuôn khổ của sân chơi này. Ông đánh giá thế nào?

- Tôi cảm thấy hơi thất vọng từ chương Mua sắm Chính phủ (chương 15), chương Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hoạt động độc quyền (chương 17).

Ban đầu, tôi hy vọng chương Mua sắm Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát tốt tiền ngân sách, ngăn ngừa tham nhũng song rốt cuộc, cam kết trong TPP về mảng này còn chung chung về mua sắm công, đấu thầu, do đó không đủ mạnh để tạo sức ép nhằm cải thiện tình hình ở ta.

Đặc thù Việt Nam là DNNN đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế song đây cũng là khối hiệu quả thấp. Tuy nhiên, cam kết TPP cho phép Chính phủ hoàn toàn được trợ cấp DNNN khi tham gia vào các hoạt động thương mại, kể cả công ích lẫn thương mại, miễn là “không tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích của các nước TPP khác” hoặc “không làm tổn hại đến ngành công nghiệp trong nước của thành viên khác”.

Quy định như vậy thì không đủ ảnh hưởng để cải cách, ở ta thì DNNN sẽ tiếp tục bám víu vào bầu sữa ngân sách. Cho nên, nói TPP chỉ mang lại niềm vui một nửa là vì vậy.

* Đến nay vẫn còn những cách hiểu khác nhau về quyền “tự do lập hội” trong TPP, ông có thể giải thích thêm?

- Chương Lao động (chương 19) khá ngắn gọn, trong đó có nêu: “Trong TPP, các thành viên đồng ý thông qua và duy trì trong luật cùng thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của ILO, đó là quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp”.

Quyền tự do liên kết còn gọi là “tự do lập hội” (freedom of association), ở Việt Nam được hiểu là người lao động có quyền thành lập tổ chức đại diện cho mình, bảo vệ quyền lợi cho mình bên cạnh tổ chức Công đoàn nhà nước. Các tổ chức này có thể tồn tại song song, không hẳn đối kháng nhau và người lao động có quyền đứng về phía bên này hoặc bên kia. Điều này buộc tổ chức Công đoàn phải nâng cao tầm vóc của mình thêm, còn các hội được thành lập ấy cũng phải đủ trình độ và bản lĩnh mới làm tốt được chức năng đại diện của mình.

Các nước TPP xem đây là yếu tố để xem xét cạnh tranh thương mại, trừng phạt nhau khi hàng hóa của doanh nghiệp nào đó tại nước nào đó vi phạm nguyên tắc về thương lượng giải quyết tranh chấp trong lao động hoặc phân biệt đối xử về trả lương, tuyển dụng…

Rất ít khả năng gặp trở ngại ở Mỹ

* Ông đánh giá như thế nào về khả năng TPP được quốc hội Mỹ thông qua?

- Các điều khoản cuối cùng của TPP quy định nếu một hay nhiều nước tham gia ký kết không phê chuẩn thì hiệp định vẫn có hiệu lực nếu nó được phê chuẩn bởi ít nhất 6 thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của 12 nước vào năm 2013 (theo số liệu chính thức của IMF).

Mỹ chiếm tới 60% tổng GDP của 12 nước TPP năm 2013. Vậy nên, nếu quốc hội Mỹ không phê chuẩn thì TPP “tiêu”.

Sau khi toàn văn hiệp định được công bố, quốc hội Mỹ có 90 ngày để xem xét. Hiện các nghị sĩ Đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama phản đối TPP vì sợ dân Mỹ mất việc làm; kể cả bà Hillary Clinton - ứng viên tổng thống Mỹ tiềm năng nhất hiện nay - cũng phản đối dù trước đây bà Clinton từng ủng hộ. Tuy nhiên, TPP đang được Đảng Cộng hòa ủng hộ. Nhà Trắng cũng đang vận động mạnh mẽ để TPP được thuận lợi. Từ đó, tôi tin quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP vào đầu năm tới với xác suất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cát Tường ([Tên nguồn])
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN