Vào TPP là phải "đấu" từ miếng thịt, ly sữa
Hàng chục triệu hộ chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp cú sốc nặng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Ngay sau khi đàm phán TPP hoàn tất, Bộ Công Thương nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn nhất khi vào TPP.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề trên, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông, khuyến lâm Bộ NN&PTNT (ảnh), nói: “Ngành chăn nuôi bị tổn thương nhiều nhất khi chúng ta vào TPP. Bởi khi thuế nhập khẩu các loại sữa, các loại thịt (bò, gà, heo…) từ các nước bằng 0% thì các sản phẩm này sẽ tràn vào mạnh hơn gây sức ép lên ngành chăn nuôi trong nước. Đó là chưa kể hàng hóa của họ có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt, giá cả lại thấp hơn mình. Câu chuyện đùi gà Mỹ giá rẻ vừa qua là một ví dụ điển hình”.
Có trách nhiệm với từng miếng thịt
. Phóng viên: Hiện cả nước có trên 17 triệu hộ gia đình chăn nuôi. Một số chuyên gia dự báo rằng sẽ có hàng triệu hộ trong số đó phải bỏ nghề, phá sản… nếu không thay đổi để thích nghi, thưa ông?
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông, khuyến lâm Bộ NN&PTN |
+ Ông Lê Bá Lịch: Đúng là ngành chăn nuôi buộc phải thay đổi, nếu không thì sẽ “chết”. Lý do là chúng ta sản xuất chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp. Để khắc phục cần phải đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thêm thị trường các nước. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Hòa Phát, TH True Milk, Vingroup… dịch chuyển mạnh hơn nữa sang lĩnh vực chăn nuôi.
. Với các tiêu chuẩn khắt khe của TPP, đối với những người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, theo ông họ cần phải làm gì để không bị đào thải?
+ Trước hết, người chăn nuôi phải nghiêm túc chấp hành luật pháp bằng hành động cụ thể như không sử dụng chất cấm, chất tăng trọng bừa bãi. Bởi nếu vẫn còn sử dụng chất cấm thì người tiêu dùng (NTD) trong nước sẽ tẩy chay và lựa chọn hàng nhập. Làm như vậy thì bản thân những người chăn nuôi đã vô trách nhiệm với chính mình và xã hội. Hệ quả là chính chúng ta tự làm chúng ta “chết” chứ chưa cần nói đến TPP vốn cạnh tranh rất khốc liệt.
Tôi cũng cho rằng đã vào TPP là phải cạnh tranh từ miếng thịt, quả trứng, ly sữa… Những sản phẩm này một khi an toàn, đảm bảo tốt nhất thì NTD Việt Nam sẽ không quay lưng với sản phẩm của nông dân. Thêm nữa, chúng ta có lợi thế trên sân nhà, thói quen dùng hàng Việt của dân ta.
Ngành chăn nuôi chỉ trụ vững khi liên kết với nhau. Ảnh: CTV
Cạnh tranh bằng liên kết chuỗi
. Nhiều trang trại, doanh nghiệp (DN) than phiền rằng các loại thuế, phí, tiêu cực phí, mãi lộ phí… làm đội giá các sản phẩm chăn nuôi khiến sản phẩm khó cạnh tranh với hàng ngoại?
+ Để giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ Chính phủ và cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa để dẹp nạn tiêu cực phí, mãi lộ phí, không để tình trạng này tái diễn nữa. Đội ngũ cán bộ cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc chứ đừng có cái kiểu “đòi phong bì”. Mãi lộ phí cũng vậy, phải dẹp bỏ vì nó đẩy giá thành các sản phẩm chăn nuôi tăng lên. Hơn nữa dân cần cái gì thì cán bộ phải tạo điều kiện cho họ làm ăn chứ không nên đưa ra điều kiện này, đòi điều kiện kia để gây khó dễ.
Bên cạnh đó, nông dân và DN gặp một số khó khăn như vốn, lãi suất tiền vay cao. Theo tôi trên thế giới, đặc biệt các nước TPP không có nước nào mà lãi suất tiền vay cao như ở nước ta với mức 11%-12%/năm. Nếu giảm xuống thì đây là điều kiện để DN đầu tư, từ đó họ sẽ tự lớn lên để cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Song song đó, Bộ NN&PTNT phải nâng cao tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó, nếu sản phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng thì không cho nhập vào. Chứ đừng có kiểu khi đơn vị nhập khẩu chỉ cần đưa cái phong bì thì cho nhập thịt heo, thịt gà… vào ầm ầm.
. Theo ông, chúng ta nên áp dụng mô hình chăn nuôi nào để có thể cạnh tranh hiệu quả với các cường quốc về chăn nuôi trong TPP?
+ Người nông dân nên tham gia vào quá trình liên kết chuỗi từ con giống, thức ăn, thú y, thị trường và mỗi mô hình đều phải tạo ra các chuỗi sản phẩm. Khi tổ chức theo chuỗi sản phẩm thì mới có thể hạ giá thành sản phẩm “đấu” lại được với các nước TPP. Tức là DN, nông dân, nhà khoa học… cần phải bắt tay nhau tạo thành mô hình khép kín theo chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm. Nếu mỗi huyện, mỗi tỉnh… tại các vùng trọng điểm chăn nuôi xây dựng được mô hình này thì tôi tin ngành chăn nuôi Việt Nam có thể trụ vững, cạnh tranh được với các nước trong TPP.
. Xin cám ơn ông.
Lấy doanh nhân làm trung tâm TPP tác động đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nhưng nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất. Khi TPP được ký kết, những ngành có thể hưởng lợi là dệt may, da giày, chế biến nông sản… còn những ngành gặp thách thức lớn nhất là nông nghiệp, chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị đương đầu với thời kỳ thuế suất về bằng 0% nhưng để có thể trụ vững trong bối cảnh hội nhập, đương đầu với những cường quốc về chăn nuôi như Mỹ, Canada, Nhật, Úc… là rất khó khăn. Do vậy DN và nông dân phải liên kết với nhau, đồng thời Nhà nước phải tạo môi trường, điều kiện cho nông dân phát triển, lấy doanh nhân làm trung tâm. Xu hướng nhiều đại gia đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp là tín hiệu đáng mừng, cần được nhân rộng. Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Sức ép từ hai phía Trong thời gian gần đây, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chịu nhiều sức ép không phải chỉ từ sản phẩm nhập khẩu bên ngoài vào mà còn yêu cầu tăng lên của NTD và mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng tôi tin khi chúng ta thực hiện tốt công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi thì những người chăn nuôi có thể cải thiện một cách cơ bản năng lực cạnh tranh của mình bằng các nhân tố chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, giá cả cũng như cách thức tiêu thụ; tạo niềm tin trong NTD. Chắc chắn khi đó đông đảo NTD Việt Nam sẽ ủng hộ sản phẩm gia cầm trong nước là sản phẩm tươi, chất lượng hơn hẳn so với sản phẩm đông lạnh từ những thị trường như Mỹ, Úc sang Việt Nam. Bà PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế TRÀ PHƯƠNG - CHÂN LUẬN Theo Bộ NN&PTNT, nước ta hiện có trên 17 triệu hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 10,9 triệu hộ chăn nuôi gà vịt, bốn triệu hộ chăn nuôi heo và khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò. Tuy nhiên, trong bảy tháng đầu năm, nước ta phải nhập khẩu 93.000 tấn thịt trâu bò, dê, cừu và gà. Riêng sản phẩm đùi gà đông lạnh từ Mỹ là hơn 45.000 tấn. Mỗi năm Việt Nam phải nhập 3-4 tỉ USD bắp, đậu nành và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. |