Vào TPP coi chừng "bội thực"!

Với TPP, sẽ có làn sóng bùng phát đầu tư vào Việt Nam nhưng phải kiểm soát được kỳ vọng, giống như đứng trước một bàn ăn tự chọn với quá nhiều món, nếu không có chiến lược chọn món thì nguy cơ bội thực sẽ rất cao.

Đây là chia sẻ được TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đưa ra tại hội thảo về cơ hội và thách thức của lĩnh vực tài chính khi vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Bộ Công thương vừa tổ chức tại TP HCM.

Ông Huỳnh Thế Du đã đưa ra một nghiên cứu của mình về các kênh đầu tư trong giai đoạn từ năm 2007-2015 (sau khi Việt Nam vào WTO) và kết quả gây bất ngờ là “không suất sinh lợi bình quân của kênh đầu tư chính nào (vàng, chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm) cao hơn mức lạm phát bình quân”. Có nghĩa là bỏ tiền vào các kênh đầu tư này không có suất sinh lợi thực dương trong suốt 10 năm.

Tại sao vào WTO, Việt Nam mở cửa đón dòng vốn ngoại nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước lại không được hưởng lợi, vậy lợi nhuận đi đâu? Theo ông Du, thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO kỳ vọng của mọi người là nền kinh tế sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “khổng lồ” lên tới 50-60 tỉ USD đổ vào.

Nhưng khi có WTO, sự thay đổi kỳ vọng quá lớn khi dòng vốn FDI đổ vào, dòng vốn bong bóng nổi lên khiến những người đầu cơ kỳ vọng tạo ra lợi nhuận vài trăm phần trăm. Kết quả, các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn chỉ nằm trong một số ít đầu tư vào bất động sản, khai thác tài nguyên, trong khi giá trị gia tăng của các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ gần như phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Bởi khu vực này vẫn tăng trưởng đều đặn chứ không “lao” vào kỳ vọng lớn và chuyển sang đầu cơ như doanh nghiệp trong nước.

“Dòng vốn từ ngân hàng cũng chảy mạnh vào bất động sản. Không ít nhà đầu tư hình thành tâm lý "tôi thông minh hơn thị trường, sẽ biết bong bóng nổ lúc nào" nên ai cũng ôm bất động sản. Nhưng điều đó cũng giống như họ đang "ôm bom" trong người, nên khi bong bóng xì hơi thì họ không thể nào thả ra và chuyển giao cho người khác vì lúc đó trong tay ai cũng có một quả bom” - ông Du ví von.

Và giờ triển vọng của TPP. Theo ông Du, sẽ có làn sóng bùng phát đầu tư vào Việt Nam do chúng ta đang là nước phát triển quy mô nhỏ so với các thành viên TPP. Nhưng nếu việc quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam không khéo, các doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn mà chuyển sang định hướng kỳ vọng thì bài học WTO vẫn còn.

“Phải kiểm soát được kỳ vọng, giống như đứng trước một bàn ăn buffet với quá nhiều món, nếu không có chiến lược chọn món thì nguy cơ bội thực sẽ rất cao” - ông Du đúc kết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Phương (Người lao động)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN