Vào lò ép dầu phụng thủ công
Dầu phụng sóng sánh màu vàng tươi, tuôn trào ra từ máy ép, qua màng lọc và được hứng bằng những chiếc thùng nhựa. Xác bánh dầu sau đó được dùng bón cây trồng hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Từ cuối tháng 3 (âm lịch), người nông dân Quảng Nam bắt đầu thu hoạch đậu phụng (lạc), đây cũng là lúc nghề ép dầu phụng vào vụ.
3 giờ sáng, công việc ép dầu tại cơ sở ép dầu phụng thủ công của ông Võ Dân (SN 1961, ngụ xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã nhộn nhịp, đông đúc.
Niềm vui của anh nông dân Nguyễn Viên khi thấy những lượt dầu đầu tiên ra lò.
Những người thợ với cánh tay lực lưỡng, đôi tay thoăn thoắt thực hiện thao tác máy và cho bột đậu vào lò để nấu chín. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, họ lấy bột đậu đã hông nấu từ lò đun đổ ra tấm bao lác rồi gói lại, sau đó cho vào khuôn niềng tròn làm bằng tre tạo thành những tấm bánh dầu (sống).
Bánh dầu được đưa vào trong khoang tròn của máy ép dầu. Cứ xếp khoảng 15- 20 tấm bánh, người thợ quay trục để các bánh răng chuyền động khít các tấm bánh lại gần với nhau. Xong tiếp tục xếp các tấm bánh dầu cho đầy khoang và dùng sức mạnh đôi tay của người thợ quay trục ép chặt toàn khối bánh dầu.
Dầu phụng sóng sánh màu vàng tươi, tuôn trào ra từ máy ép, qua màng lọc và được hứng bằng những chiếc thùng nhựa. Xác bánh dầu sau đó phục vụ cho nông nghiệp dùng bón cây trồng hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Theo ông Võ Dân, trung bình cơ sở của ông ép được khoảng 400 lít dầu/ngày với 5 nhân công làm việc liên tục. Thu nhập bình quân của thợ khoảng 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người làm nghề ép dầu phụng không còn nhiều và giá cả phải cạnh tranh với dầu sản xuất quy mô công nghiệp.
Người dân làm nghề rất mong muốn được hỗ trợ đào tạo, học thêm các kỹ năng mới để “chuẩn hóa” nghề từ khâu sản xuất đảm bảo an toàn lao động, an toàn thực phẩm tới quảng bá sản phẩm dầu phụng thủ công độc đáo nơi đây.
Lò nấu đậu luôn rực lửa.
Công việc xay đậu cần dùng khẩu trang, bao tay bảo hộ vì bụi bặm.
Phụ nữ tham gia ép dầu cần có sức khỏe dẻo dai.
Rót dầu phụng vào can.