“Vàng xanh” treo trên núi vào vụ, 700 tỷ “treo” chờ người đến hái
Nhờ được tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mấy năm gần đây, sản phẩm na Chi Lăng (Lạng Sơn) ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Vụ na năm nay, dự kiến nông dân trồng na thu khoảng 700 tỷ đồng.
“Vàng” treo trên núi
Như một cuộc hẹn, hàng năm cứ vào khoảng giữa tháng 7, người trồng na ở huyện Chi Lăng lại nhộn nhịp, phấn khởi chuẩn bị nào thúng, nào sọt... lên núi hái na. Nghề trồng na ở xứ Lạng chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Tại đây, người người trồng na, nhà nhà trồng na. Mỗi gia đình trung bình có 400 - 1.000 gốc, thậm chí hơn vài nghìn gốc.
Người dân Chi Lăng phấn khởi thu hoạch na đầu mùa. Ảnh: C.L
Để giảm sức lao động khi phải gánh na từ vách, sườn núi cheo leo, nông dân ở đây sử dụng hệ thống ròng rọc để vận chuyển. Cách làm này đồng thời giúp cho trái na được bảo toàn về chất lượng. |
Na Chi Lăng nổi tiếng vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, khi chín quả có mẫu mã đẹp, ăn ngon, lượng hạt ít cùi nhiều, hàm lượng đường lớn. Hiện na mới bắt đầu chín, vì số lượng chưa nhiều nên chưa có thương lái thu mua tận vườn, người dân chủ yếu mang bán lẻ tại chợ. Giá của những quả na đầu mùa loại 1, quả to đều dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cỡ quả trung bình cũng dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Với mức giá khá cao, trong khi thị trường tiêu thụ rộng mở nên mấy năm gần đây, người dân Hữu Lũng và Chi Lăng có cuộc sống ổn định nhờ na, những hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng na nhiều không đếm xuể.
Hướng đến sản xuất an toàn
Để có chất lượng na ngon, đảm bảo an toàn, người dân và các xã viên thuộc các hợp tác xã đều cam kết sản xuất na theo quy trình an toàn hoặc tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Quy trình sản xuất na an toàn được chính quyền địa phương, ngành chức năng tập huấn kỹ càng cho nông dân, có sự giám sát về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc và trong danh mục cho phép. Ngoài ra, ngay từ đầu mùa nông dân đều đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone để bảo vệ quả tránh ruồi đục. Nhờ đó quả na đều đẹp, năng suất và chất lượng ngon hơn.
Giờ đây, người trồng na đã biết sử dụng phương pháp mới để tăng năng suất cây na. Theo đó, vào khoảng trung tuần tháng 11, bà con sẽ đốn toàn bộ cành cao của cây, chỉ để cây na cao khoảng 1,5 - 1,8m và cắt bớt cành cho thoáng. Nhờ đó, cây na sẽ chống chịu được mưa gió, không tốn thức ăn nuôi cành, quả ra tập trung vào thân và cành cấp một nên na dễ thụ phấn và thu hoạch hơn. Các giống na bắt đầu chín từ trung tuần tháng 5 âm lịch đến tháng 9 âm lịch, thu hoạch rộ vào khoảng tháng 6-7 âm lịch.
Điều đáng ghi nhận là chính quyền, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư, hỗ trợ để đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho na Chi Lăng, đồng thời cấp tem đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Hiện, sản phẩm na của các tổ hợp tác, HTX sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tổ hợp tác sản xuất na an toàn đều được dán bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Ông Lương Thành Chung - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chi Lăng cho biết: Huyện có thế mạnh về sản xuất na, tổng diện tích na toàn huyện hiện đạt 1.800ha, trong đó có 1.650ha đã cho thu hoạch. Sản lượng năm 2018 đạt 16.000 tấn (trong đó sản lượng na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1.500 tấn; sản lượng na theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 48 tấn), mang lại giá trị kinh tế hơn 600 tỷ đồng.
“Năm nay, huyện Chi Lăng mở rộng thêm 50ha diện tích trồng na VietGAP. Ước tính sản lượng na tăng thêm 500 tấn, nâng sản lượng vụ na năm nay đạt trên 16.500 tấn, mang lại nguồn thu 650 - 700 tỷ đồng” - ông Chung nói.
Theo ông Chung, na Chi Lăng được đánh giá có chất lượng thơm ngon ít nơi nào sánh bằng, tuy nhiên, hiện tại đầu ra của loại nông sản này chủ yếu vẫn là thị trường trong nước, chỉ 1/3 sản lượng na được xuất khẩu qua Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Việc đàm phán, trao đổi thúc đẩy quan hệ hợp tác nhằm đưa sản phẩm na của địa phương xuất khẩu chính ngạch đang được triển khai. Nếu thành công sẽ góp phần nâng tầm giá trị quả na Chi Lăng.
Xuất thân gia đình thuần nông, Trần Văn Hận (Quảng Nam) phất lên nhờ nuôi con vật này, mỗi năm lời hơn 200 triệu đồng...