Vắng khách thực phẩm vẫn quyết giữ giá
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng đồ ăn thức uống hàng ngày trong dân giảm mạnh. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm tươi sống và rau xanh vẫn không hạ giá.
Ế ẩm, thịt lợn vẫn giữ giá
Gần 11h trưa, không khí nắng nóng ngột ngạt bao trùm khắp các chợ Phùng Khoang, Nghĩa Tân, Thành Công. Chị Trần Thị Bảy (tiểu thương tại chợ Phùng Khoang) cho biết: “Mấy hôm nay thịt bán chậm lắm. Nhiều khách quen tôi mời mua, họ đều lắc đầu. Có khi 3-4 ngày họ mới mua thịt một lần, thay vì mua hàng ngày như trước đây”. Theo chị Bảy, từ những ngày nắng nóng giữa tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong dân đã giảm mạnh. Tuy nhiên, giá thịt vẫn đứng yên như dịp Tết. “Ai người ta giảm giá nhập cho mình mà mình bán rẻ được. Có bán chậm cũng phải giữ giá chứ chẳng còn cách nào khác. Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm qua tôi thấy giá bán lẻ giữ ổn định lâu như thế, từ Tết đến giờ vẫn vậy”- chị Bảy nói. Cụ thể, thịt nạc vai, mông từ 85.000- 90.000 đồng/kg; ba chỉ 80.000 đồng/kg; sườn 85.000 đồng/kg.
Nhận định nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm giảm đến 20% so với sau Tết nhưng bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền lại cho hay: “Giá thịt lợn, thịt gà đều giảm từ lâu rồi. Công ty tôi chuyên phân phối mặt hàng này và đã giảm khoảng 10% trong thời gian gần đây”. Bà Hiền không lý giải nổi vì sao, sức mua yếu, giá lợn hơi trong dân đã giảm, nguồn cung dồi dào nhưng giá thịt bán lẻ ngoài thị trường vẫn giữ nguyên. “Sau đợt sốt giá năm 2012, người dân tái đàn trở lại, giờ lợn nhiều lắm. Người chăn nuôi còn gọi mời người mua thịt đến bán để giải phóng chuồng”- bà Nguyễn Thị Hiền nói.
Theo người kinh doanh trong lĩnh vực này, thịt lợn bán lẻ tại các chợ hiện tại chủ yếu do người bán tự mua và giết mổ trong dân. Mua tận gốc, bán tận ngọn, người bán lẻ đang thu lời rất lớn. “Họ bán một buổi hết một con lợn, thu lời 500.000-700.000 đồng là chuyện bình thường”- tiểu thương này cho biết.
Dù ế ẩm nhưng nhiều mặt hàng vẫn quyết giữ giá
Ở mặt hàng thịt gà, giá cả có xu hướng giảm nhẹ. Gà ta lông dao động từ 95.000-110.000 đồng/kg nhưng vẫn ế ẩm. Một số công ty giết mổ tập trung khoảng 2 tháng nay chỉ giết mổ cầm chừng với lượng rất nhỏ. Thịt bò vẫn ở mức từ 260.000-280.000 đồng/kg. Thời tiết nắng nóng khiến giá một số loại thực phẩm tươi sống như: ngao, cá, tôm, cua tăng thêm 20-25% so với trước.
Rau “giải nhiệt” không giảm giá
Ngoại trừ một số loại rau xanh, các loại hoa quả giải nhiệt trong nắng nóng đều tăng giá nhẹ. Một số loại quả như: dưa lê, dưa bở, cam tăng giá lên 3.000-5.000 đồng/kg. Tại chợ Phùng Khoang, dưa hấu giá 8.000 đồng/kg; xoài Nha Trang 20.000 đồng/kg; cam sành 35.000 đồng/kg. Chị Giáp Thị Nhung (tiểu thương ngành hàng hoa quả tại chợ Phùng Khoang) cho biết: “Một số loại hoa quả để thắp hương như: táo, lê, xoài... lên giá từ 2.000-3.000 đồng/kg trong 2 ngày nay vì sắp đến Rằm. Trong khi đó, cam và một số loại quả khác giảm tương ứng do nguồn cung dồi dào”.
Với mặt hàng rau xanh, một số loại giữ ổn định hoặc giảm xuống khá thấp. Cà chua, khoai tây 15.000 đồng/kg; bí đỏ 10.000 đồng/kg; dưa chuột 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, rau dền, rau ngót chỉ từ 1.500- 2.000 đồng/mớ. Theo bà Nguyễn Thị Mai (tiểu thương chợ Nghĩa Tân), đây là giá bán lẻ thấp nhất trong những năm gần đây. Cùng thời điểm này năm trước, hiếm có loại rau nào xuống dưới 2.000 đồng/mớ.
Giá bán phải theo thị trường
Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 5-2013 của TP dự kiến đạt 133.334 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đây là mức tăng khá thấp, chứng tỏ sức mua vẫn rất yếu và chưa có dấu hiệu lạc quan. Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng: “Hàng hóa ế ẩm, nguồn cung dồi dào mà giá bán lẻ không giảm chứng tỏ người bán đang cố neo giá để bù vào số lượng sụt giảm. Cần phải có biện pháp giải quyết vấn đề này thì mới đẩy mạnh được sức mua”.
Bà Nguyễn Thị Hiền cũng dự báo, theo quy luật, từ tháng 5 tới tháng 7 hàng năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dân sẽ giảm mạnh. Do đó, giá cả thường có xu hướng giảm theo thị trường.
Chị Đỗ Thu Hiền (Lạc Long Quân - Tây Hồ) cũng cho biết: “Giờ người dân rất tiết kiệm. Không thể để giá cao, người bán lẻ hưởng lợi còn người tiêu dùng buộc phải chi tiền vô lý được”.