“Vàng đen” ở Cam Lộ

Từ loại lá vô danh trong rừng, những năm qua, người dân xã Cam Nghĩa (Cam Lộ, Quảng Trị) đã đầu tư chế biến lá vằng trở thành loại cao nổi tiếng khắp Bắc - Nam. Cao lá vằng trở thành món quà giá trị mỗi khi đi qua vùng quê này.

Người có công chế biến ra cao lá vằng rồi truyền nghề cho bà con trong xã là bà Lê Thị Ngâu (58 tuổi, thôn Nghĩa Phong, Cam Nghĩa). Bà Ngâu cho hay, ngày chưa nấu cao lá vằng, gia đình bà lam lũ đủ nghề nhưng không đủ sống. Năm 2002, bà lên mấy ngọn đồi gần nhà bứt lá vằng tươi đem ra chợ bán cho khách về nấu uống. Tình cờ có khách hàng hỏi bà rằng: “Trên đời có nhiều thứ người ta có thể nấu cao, sao cao lá vằng chưa thấy?”. Câu hỏi đó dẫn bà đến quyết định: Nấu cao lá vằng.

“Vàng đen” ở Cam Lộ - 1

Cây vằng là loại thân leo nhưng thân cứng, lá nhỏ có màu xanh đậm.

Bà lặn lội vào rừng bứt lá vằng về rửa thật sạch rồi cho vào nồi nấu. Mẻ đầu tiên hỏng bét vì cao vằng bị loãng, không thể đóng bao, bốc mùi thiu. Mẻ thứ hai rút kinh nghiệm, bà cho lửa nhiều, cao lại hỏng vì bị cháy. Đổ bao mồ hôi, công sức, hàng chục lần rút kinh nghiệm, năm 2003, bà Ngâu đã cho ra mẻ cao thành công. Cao nấu thành phẩm có màu nâu đen, pha với nước sôi có màu vàng sánh đẹp mắt, dậy mùi thơm và vị ngọt đắng. Loại cao này công dụng mát gan, bổ thận, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, ăn ngủ ngon, tốt và lợi sữa cho phụ nữ sau khi sinh, giảm béo…

Nấu được rồi nhưng ai biết mà mua, nên bà Ngâu phải lặn lội đạp xe chào hàng khắp các hàng quán, chợ đò. “Lúc tôi đưa cao lá vằng ra giới thiệu họ không tin vì chưa nghe ai nói lá vằng nấu cao được cả” – bà Ngâu nhớ lại. Dần dà, nhiều người biết đến cao lá vằng hơn, thị trường mở rộng, gia đình bà Ngâu trở nên khấm khá.

Có nghề trong tay nhưng bà Ngâu không giấu mà sẵn sàng truyền lại cho các gia đình khác. Ông Nguyễn Anh Hai – Phó Chủ tịch Hội ND xã Cam Nghĩa cho biết: “ Cả xã có gần 100 hộ nấu cao lá vằng. Nhà ít 4 nồi, nhà nhiều nhất gần 20 nồi. Mỗi ngày người dân bán ra thị trường vài trăm cân cao vằng. Cao lá vằng được người dân ví là vàng đen vì nhà nào nấu cao vằng cũng đều khấm khá”.

Chị Mai Thị Thủy (thôn Định Sơn, Cam Nghĩa) nhẩm tính, cứ 7kg lá vằng tươi sẽ cho ra 1kg cao vằng. Hiện nay, 1kg cao lá vằng có giá 130.000-150.000 đồng, giúp chị Thủy có thu nhập 350.000 đồng/ngày.

Hiện nay người dân Cam Nghĩa lo lắng nhất không phải chuyện tiêu thụ mà là nguồn nguyên liệu lá vằng tự nhiên dần cạn kiệt. Ông Lê Văn Vĩnh – Chủ tịch xã Cam Nghĩa bày tỏ: “Xã đang trồng thí điểm cây vằng, hy vọng sẽ có vùng nguyên liệu lá vằng, tiến tới thành lập làng nghề truyền thống. Tuy vậy, vằng là loại cây tự nhiên, khó trồng, chúng tôi cần các chuyên gia về trồng trọt hỗ trợ nghiên cứu để giúp dân sản xuất bền vững”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Vũ (Danviet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN