Vận động người dân duy trì ao nuôi, đợi tôm thẻ tăng giá thời gian tới
Dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo nông dân hãy bình tĩnh không “treo ao” (xem báo NTNN số ra ngày 2.6), nhưng người nuôi tôm vẫn khẳng định sẽ “treo” ao nếu giá tôm không có xu hướng tăng.
Mất đứt 2 vụ tôm, lão nông Tư Lù (Trương Thanh Nhàn) ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Long An, ấm ức: “Hai vụ tôm vừa rồi làm tui bay vèo mất 200 triệu đồng. Mỗi vụ tui thả 500.000 con giống, nuôi được 1 tháng rưỡi thì dịch bệnh bùng phát. Vét ao được ít tôm đem bán thì giá quá bọt bèo”. Lo ngại thua lỗ tiếp, ông Tư Lù bỏ vụ tôm này.
Sẽ “treo” ao tiếp…
Thương lái thu mua tôm tại xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An). Ảnh: T.Đ
Tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đến nay tại Long An là 3.053ha/6.600ha, đạt 46,3% so với kế hoạch, bằng 89,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Tôm sú 450ha, tôm thẻ chân trắng 2.604ha. Diện tích thu hoạch là 2.443ha, năng suất bình quân ước 2,1 tấn/ha, sản lượng là 5.126 tấn. Trong đó, tôm sú: Diện tích thu hoạch 315ha, năng suất 1,4 tấn/ha, sản lượng 434 tấn; tôm thẻ chân trắng: Diện tích thu hoạch 2.127ha, năng suất 2,2 tấn/ha, sản lượng 4.692 tấn. |
Hiện, ông Tư Lù có đến 6 ao nuôi tôm nuôi quảng canh diện tích từ 2.000m2 - 5.000m2. Những ao tôm bỏ trơ đáy, từng dãy cánh quạt dùng để sục oxy vứt chỏng chơ trên bờ ao...
Thời điểm này, nông dân nuôi tôm ở Long An đang vào vụ thu hoạch. Anh Lê Văn Hiệp – một thương lái thu mua tôm ở Long An cho biết, tôm loại 50 con/kg có giá 105.000 đồng/kg; loại 100 con/kg giá 70.000 đồng/kg…
Lão nông Tư Lù nhận định, giá tôm hiện nay là mức giá thấp nhất trong vài ba năm trở lại đây. “Với giá này, nông dân cứ thả giống thì cầm chắc lỗ. Chưa nói thời gian qua dịch bệnh lây lan khiến tôm chết rất nhiều. May là vụ này tui không thả nuôi, chứ không lại lỗ nữa rồi”- ông thổ lộ.
Theo ông Tư Lù, hiện ở ấp Tân Thanh có đến 90% nông dân nuôi tôm “treo” ao. “Nếu giá tôm cứ neo ở mức này, tui sẽ không thả giống nữa” - ông khẳng định.
Hiện xã Phước Lại có 118ha ao tôm. Ông Nguyễn Công Danh – Phó Chủ tịch xã Phước Lại cho biết, có hiện tượng nông dân nuôi tôm “treo” ao, nhưng chưa thể thống kê chính xác diện tích ao bị “treo” là bao nhiêu.
Tại xã Tân Chánh – vùng nguyên liệu nuôi tôm lớn nhất của huyện Cần Đước, một số nông dân nuôi tôm cũng đang “treo” ao. Theo ông Nguyễn Trọng Tuyên – Phó Chủ tịch xã Tân Chánh, trong số 850ha diện tích ao tôm của xã thì có hơn 100ha đang bị “treo”.
Ông Năm Rô (Nguyễn Văn Rô) – nông dân đang nuôi 2 ao tôm bán công nghiệp (3.000m2/ao) cho biết, cách đây 2 tháng ông cho thu hoạch một ao nuôi 3 tháng nhưng chỉ được chưa đến 1 tấn tôm. “Thời gian gần đây dịch bệnh nhiều nên tôm khó phát triển. Cùng lúc, giá tôm cũng rất thấp. Bán ao tôm, tui lỗ 20 triệu đồng” - ông Rô cho biết.
Ông Năm Rô cho biết thêm, đáng lý ra thời điểm này ông đã cho xử lý ao rồi thả giống lại, nhưng do giá tôm quá thấp nên “treo” ao luôn. Ao tôm còn lại đang đến lúc thu hoạch, nhưng ông vẫn găm chờ giá. “Nếu giá không tốt lại, tui cho “treo” cả 2 ao luôn, chứ nuôi sẽ lỗ hơn nữa” - ông chia sẻ.
Vận động duy trì ao nuôi
Hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, làm ảnh hưởng đến tôm nuôi nên dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiệt hại, nông dân nên chọn mua tôm giống ở những cơ sở uy tín, đã qua kiểm dịch. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, chất lượng môi trường nước ao nuôi và nước... |
Về việc nông dân nuôi tôm ồ ạt “treo” ao, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An Phạm Phú Hùng nhận định, nguyên nhân chính là do đầu ra với giá tôm đang ở mức quá thấp. Với giá này, cộng với chi phí đầu vào cao nên người nuôi tôm khó có lãi. “Nếu giá lên, bà con thả giống nuôi tôm lại ngay”- ông cho biết.
Theo ông Đồng Quang Đôn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc, hiện huyện có hơn 2.200ha diện tích ao nuôi tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ thả nuôi 613ha. Như vậy, huyện này có khoảng 1.500ha ao nuôi tôm bị “treo”. “Khoảng một nửa số diện tích ao bị “treo” do nông dân nuôi tôm trái vụ trước đây giờ họ chưa nuôi lại. Số còn lại do giá tôm quá thấp nên nông dân “treo” ao” - ông Đôn giải thích.
Theo ông Đôn, các cơ quan liên quan đang vận động nông dân tiếp tục thả nuôi tôm, hạn chế tình trạng “treo” ao. “Trước mắt nông dân nên thả giống với mật độ thưa để duy trì ao nuôi tôm và hạn chế rủi ro do giá. Về lâu dài, nên đầu tư nuôi tôm công nghệ cao để tăng sản lượng” - ông chia sẻ.
Ông Phạm Phú Hùng cũng cho biết, hiện nay, bên cạnh việc giá tôm không ổn định, thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi nên dịch bệnh dễ phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiệt hại, người nuôi tôm nên chọn mua tôm giống ở những cơ sở uy tín. Bên cạnh đó, người nuôi cần cải tạo ao đầm thật kỹ, đối với ao bệnh phải cải tạo trên 35 ngày mới được thả nuôi lại…