Vải thiều xuất ngoại: Ngại nhất khâu bảo quản

Hương vị và chất lượng vải thiều nước ta được nước bạn rất thích, nhưng cái khó của Việt Nam là việc bảo quản sau thu hoạch. Thời gian từ khi thu hoạch đến khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng bên Mỹ sẽ mất khoảng 15 ngày, nhưng với biện pháp bảo quản như hiện nay của ta rất khó có thể làm được điều này.

Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng vải thiều sẽ được đưa ra thị trường tới đây khoảng hơn 200.000 tấn. Ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, còn hơn 1 tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều 2015, hiện các thủ tục xuất khẩu vải thiều với đối tác Mỹ đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục, nhưng với đối tác Australia thì mới bắt đầu triển khai làm. 

“Qua khảo sát thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ, thì hương vị và chất lượng vải thiều nước ta được người Mỹ rất thích, nhưng cái khó của Việt Nam là việc bảo quản sau thu hoạch. Ví như thời gian từ khi thu hoạch đến khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng bên nước bạn sẽ mất khoảng 15 ngày, nhưng với biện pháp bảo quản như hiện nay của ta rất khó có thể làm được điều này” – ông Thành nói.

Vải thiều xuất ngoại: Ngại nhất khâu bảo quản - 1

Vùng vải thiều xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn,Bắc Giang) đang dự báo sẽ được mùa lớn.  Ảnh: Trần Quang

Theo thông tin của Cục BVTV, đến thời điểm hiện tại chỉ có một số doanh nghiệp trong đó có Công ty Ánh Dương Sao đang chủ động phối hợp với các cơ quan để gỡ khó cho xuất khẩu vải. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp khác trong nước vẫn có ý định trông chờ, chưa dám đăng ký xuất khẩu. Cục BVTV cũng đánh giá, việc xuất khẩu vải sang Australia bằng đường biển cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều so với sang Mỹ, bởi chỉ mất từ 5 đến 7 ngày đi tàu biển. Vấn đề là cần áp dụng được biện pháp bảo quản để kéo dài độ tươi ngon (khoảng 3 tuần), việc xuất khẩu vải sang Australia sẽ thành công.

Ngoài Bắc Giang, Hải Dương cũng có số lượng vải thiều cần tiêu thụ khá lớn. Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết: Tỉnh có hơn 10.500ha vải thiều, trong đó có khoảng 100ha được quy hoạch vùng sản xuất VietGAP và có thêm 2.000ha được xếp vào khu vực sản xuất an toàn. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có gần diện tích gần 20ha được cấp mã vùng nằm ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà) có 9,97ha và xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh) có 9ha thuộc diện sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, hiện đều phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho sản lượng đạt cao.

 Bà Hà cho biết thêm, so với vụ mùa 2014, sản lượng dự tính trong vụ thu hoạch 2015 sẽ có thể đạt cao hơn, khoảng trên dưới 50.000 tấn. Hiện Hải Dương vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng nào từ phía các doanh nghiệp đăng ký xuất sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Australia, chỉ có duy nhất Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu Thanh Hà đăng ký thu mua 500 tấn vải thiều xuất sang Hàn Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN