Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai?

Mới vào đầu vụ nhưng giá vải thiều tại "thủ phủ vải" Bắc Giang liên tục xuống dốc không phanh khiến người trồng vải thua lỗ nặng.

Có mặt trực tiếp tại huyện Lục Ngạn được xem là “thủ phủ” trồng vải của tỉnh Bắc Giang, phóng viên Người Đưa Tin bắt gặp nhiều điểm thu mua vải khá nhộn nhịp ven đường.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 1

Người trồng vải mang vải đi bán tấp nập.

Tại thị trấn Kim, từ sáng sớm, dòng người chở vải đem bán đã tấp nập, đến 9 giờ sáng vẫn còn đông người mang vải đến các điểm thu mua làm ách tắc giao thông vài trăm mét.

Ghi nhận thực tế, giá thu mua vải tận gốc, tùy từng loại vải, dao động từ 2.000 – 18.000 đồng/kg. Thậm chí, có loại chỉ mua với giá 1.000 đồng/kg.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 2

Thu mua vải ven đường ở thị trấn Kim.

Anh Nguyễn Văn Tỵ ở xã Trường Giang (huyện Lục Ngạn), khuôn mặt thẫn thờ vì vẫn chưa bán được vải. Anh mang vải từ vườn ra thị trấn bán, mặc cả với người thu mua gần một tiếng đồng hồ, nhưng thương lái vẫn chỉ chốt giá 4.000 đồng/kg.

“Thảm hại, giá vải thấp kỷ lục. Tôi chưa thấy năm nào giá vải bèo bọt đến thế. Với giá này thì chúng tôi chết” – anh Tỵ lau nước mắt.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 3

Anh Nguyễn Văn Tỵ.

“Hôm qua, tôi còn bán được 8.000 đồng/kg, đến sáng nay giá chỉ bằng một nửa. Vẫn biết mình bị ép giá, nhưng không bán không được vì vải chín thì không thể để được nên buộc phải bán. Trong nhà tôi vẫn còn 15 tấn nữa” – anh Tỵ cho biết.

Anh Tỵ nhẩm tính, anh thuê người thu hoạch vải đã mất chi phí 2.000 đồng/kg. 2.000 đồng còn lại không đủ bù chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, chưa kể các khoản khác.

“Nếu giá 4.000 đồng/kg thì tôi đổ   – anh Tỵ giọng mếu máo.

Cách đó 6 cây số, tại điểm thu mua ở Trại Mít, huyện Lục Nam thì giá vải còn "thảm" hơn. Giá thu mua cao nhất chỉ có 6.000 đồng/kg. Chị Đặng Thị Cúc ở xã Đông Phú (huyện Lục Nam) đã lặng người khi nghe thương lái trả giá mua vải. Hơn một tạ vải trên xe máy chị có giá thấp đến không ngờ.

“2.000 đồng, đó là giá mà thương lái trả cho tôi” – chị Cúc nói như khóc.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 4

Chị Đặng Thị Cúc bên xe vải với giá 2.000 đồng/kg.

Ở ngay bên cạnh chị Cúc, dù đã thỏa thuận xong giá cả, nhưng ông Đặng Văn Hào cũng chẳng buồn nhấc vải lên bàn cân. Giọng ông buồn rầu khi nói về giá cả.

“Tôi chán chẳng buồn nói. Tôi chỉ bán được có 5.000 đồng/kg. Giá này thì tôi lỗ nặng vì mất nhiều công và tiền đầu tư chăm sóc” – ông Hào nói xong ngồi bệt xuống đất.

Theo nhiều người trồng vải cho biết giá vải liên tục sụt giảm, xuống dốc không phanh. Độ 4 – 5 ngày đầu vụ vải, giá bán dao động từ 8.000 – 25.000 đồng/kg sau đó lao dốc theo ngày. Đến sáng nay, giá vải xuống còn 2.000 đồng/kg.

“Hôm qua, có người chỉ bán được 1.000 đồng/kg. Tôi tận mắt thấy có người đổ vải xuống sông vì giá rẻ quá” – anh Tỵ buồn bã chia sẻ.

Điệp khúc được mùa mất giá

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng Trồng trọt, sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên vải thiều được mùa. Dự kiến, tổng sản lượng vải thiều đạt khoảng 180.000 tấn, so với năm 2017 chỉ đạt 100.000 tấn.

Giá vải năm nay thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái. Vào thời gian này năm 2017, giá vải dao động từ 40.000 – 55.000 đồng/cân, cao gấp 20 lần so với năm nay. Năm nay, vải thiều được mùa, trong khi sức tiêu thụ trên thị trường trong nước có giới hạn nên dẫn đến giá vải thấp.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 5

Vải thiều Bắc Giang được mùa nhưng mất giá.

Một nguyên nhân khác, đó là các thương lái Trung Quốc chưa sang thu mua. Hiện nay chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường trong nước. Chỉ đến khi chính vụ (vào khoảng 10 ngày nữa), thì các đầu mối Trung Quốc mới bắt đầu sang mua vải.

Anh Dũng cho biết thêm, thị trường Trung Quốc tiêu thụ đến hơn 60% lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang, còn thị trường trong nước và các nước khác chiếm gần 40%. 

Tuy nhiên, theo nhiều người trồng vải thì tình hình cũng không mấy khả quan, bởi các thương lái Trung Quốc sang thu mua vào chính vụ thì lúc đó sản lượng vải còn nhiều gấp 5 – 6 lần hiện nay.

Nông dân khóc ròng, ai mỉm cười?

Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin thì giá gốc tại Lục Ngạn, Lục Nam được xem là "thủ phủ vải" tỉnh Bắc Giang lại có giá thấp nhất còn 2.000 đồng/kg, thậm chí xuống đáy 1.000 đồng/kg. Loại vải đẹp nhất có giá 18.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Kiểm ở Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) đã rất bất ngờ khi giá vải xuống nhanh đến vậy. Chiều hôm qua (31/5), anh bán được 25.000 đồng/kg. Sáng sớm nay (1/6), thương lái chỉ trả có 12.000 đồng/kg.

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 6

Một điểm thu mua vải ở Lục Ngạn

Khảo sát tại các chợ đầu mối ở TP.Bắc Giang, phóng viên ghi nhận giá vải thấp nhất là 25.000 đồng/kg, loại đẹp thì có giá cao hơn. Trong khi đó, người dân Hà Nội đang tiêu thụ vải với giá 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Rõ ràng có sự chênh lệch quá lớn giá vải mua tận gốc với giá trên thị trường. Phải chăng thương lái đang hưởng lợi lớn nhất về giá vải hiện nay?

Vải thiều rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng, lợi nhuận chảy vào túi ai? - 7

Thương lái mặc cả sát giá với người trồng vải.

Như vậy, giá gốc tại các vùng trồng vải thiều ở Bắc Giang rất thấp và liên tục giảm từng ngày, trong khi giá vải bán trên thị trường không có nhiều biến động. Vải từ người bán giá gốc đến tay người tiêu dùng có sự chênh lệch quá lớn. Người trồng vải thua lỗ nặng, còn người tiêu dùng thì phải mua với giá cao.

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Tuấn – Chánh văn phòng sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều hoạt động để mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong tỉnh.

Cụ thể, ngày 29/5, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã dẫn đoàn tham dự hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tại thị xã Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc). Đến ngày 8/6, sở Công Thương tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang: Người trồng vải thiều tha thiết kêu gọi đừng... giải cứu

Trước thực trạng này, nhiều thông tin xuất hiện trên mạng xã hội cho rằng vải thiều sẽ là loại nông sản tiếp theo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Văn Thắng (Người Đưa Tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN