Vải thiều Nam tiến: Lo đường xa, khó bảo quản
Do thời gian bảo quản trái vải rất ngắn, khi nhập hàng vào buổi sáng phải bán hết trong ngày, thậm chí, sau 3 giờ chiều là phải giảm giá, đẩy hàng đi. Nếu không, trái vải sẽ đổi màu, giảm chất lượng, không bán được...
Mới đây, đoàn cán bộ gồm lãnh đạo Sở Công Thương, Sở NNPTNT và một số doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đã có cuộc họp bàn các phương pháp đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong tháng 6 tới tại TP.HCM. Năm nay, sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương ước đạt 50.000 tấn, trong đó, lượng vải chín sớm đạt khoảng 10.000 tấn, còn lại là vải chính vụ.
Cần chú trọng chất lượng quả vải thiều
Tại TP.HCM, lượng vải tiêu thụ mỗi năm khoảng 90.000 tấn, chủ yếu qua các kênh phân phối như chợ truyền thống, siêu thị và các cửa hàng trái cây dọc đường đi. Năm nay, cùng với sự phối hợp của lãnh đạo Sở Công Thương, Sở NNPTNT 2 tỉnh, TP.HCM đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều ngay từ đầu vụ, nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ khi vào chính vụ cho loại nông sản này.
Vải thiều được bán dọc đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) năm 2014.
Bà Trịnh Diệp Thanh Thảo – Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiêu thụ khoảng 37.000 tấn vải thiều mỗi năm. Theo đó, người tiêu dùng phía Nam ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng của sản phẩm nông sản, thực phẩm. Do đó, nông dân Hải Dương cần đẩy mạnh mở rộng diện tích vải trồng theo chuẩn VietGAP, thậm chí là GlobalGAP. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh nên sớm cung cấp danh sách các thương nhân, hộ trồng vải để doanh nghiệp phía Nam tiện liên lạc, giao dịch…
Trong khi đó, điều khiến ông Nguyễn Hữu Toàn – phụ trách thu mua nông sản toàn quốc của Saigon Co.op lo lắng là khâu vận chuyển và chuyện “đụng chợ”. Do thời gian bảo quản trái vải rất ngắn, siêu thị khi nhập hàng vào buổi sáng phải bán hết trong ngày, thậm chí, sau 3 giờ chiều là phải giảm giá, đẩy hàng đi. Nếu không, trái vải sẽ đổi màu, giảm chất lượng, không bán được.
Hơn nữa, vào chính vụ, sản lượng trái vải chuyển vào Nam khá nhiều mỗi ngày, giá cả không ổn định nên việc kinh doanh trong siêu thị gặp nhiều khó khăn khi phải điều chỉnh giá liên tục.
Để tăng cường hỗ trợ tiểu thương kinh doanh trái vải, ông Lê Hoàng Phong – đại diện chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cho biết, bên cạnh việc mở rộng mặt bằng kinh doanh, ban lãnh đạo chợ đầu mối Hóc Môn cũng nới rộng thời gian bán buôn cho tiểu thương, bắt đầu từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Vào chính vụ, chợ Hóc Môn cho phép tiểu thương nhận, xuất hàng 24/24 giờ.
Chưa kỳ vọng nhiều vào xuất khẩu
Dù đã có phép xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật… nhưng việc xuất khẩu sản phẩm không hề đơn giản khi chi phí chiếu xạ lên tới 18.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển, quảng cáo bán hàng… đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh với trái vải của các nước khác trong khu vực.
Đến nay, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) đã xây dựng được vùng nguyên liệu vải sạch, chuẩn bị sẵn đội ngũ cán bộ kỹ thuật, phương tiện… để vận chuyến trái vải vào TP.HCM chiếu xạ và xuất khẩu đi Mỹ trong mùa vụ năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Mai Xuân Thìn – Tổng Giám đốc Rồng Đỏ, những năm đầu xuất khẩu, doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng gì nhiều vào thị trường do còn phải thăm dò thị trường. Hơn nữa, trái vải Việt Nam cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh như vải nội địa của Úc…
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương tính toán, suốt mùa vải, nếu người dân trong nước tiêu thụ 2kg/người, trái vải sẽ không cần tính tới chuyện xuất khẩu.
Hiện tại, vải đầu mùa đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán tại vườn khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ vải luôn trong tình trạng không ổn định do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Trực – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM thì cho rằng, không thể cứ chuẩn bị vào mùa là lãnh đạo, doanh nghiệp các tỉnh lại loay hoay đi xúc tiến thương mại, quảng cáo, bán hàng… Do đó, thời gian tới hai địa phương cần có những hợp tác lâu dài hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.