Vải thiều Bắc Giang lập kỷ lục doanh thu hơn 6.000 tỷ, 60 năm mới có 1 lần

Vụ vải năm nay doanh thu của nông dân Lục Ngạn đạt khoảng 6.100 tỷ đồng - phá vỡ mốc kỷ lục về giá trị trong hơn 60 năm trở lại đây.

Vụ mùa vải niên vụ 2019 năm nay chắc chắn là một năm nhiều niềm vui với nông dân đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Chợ vải Lục Ngạn năm nay dù vẫn vô cùng tấp nập song không còn cảnh ùn tắc, chen chúc. Thay vì phải mang vải ra chợ để bán, năm nay nông dân "nhàn" hơn khi các thương lái đã phải tìm đến tận vườn để thu mua, nhất là cuối vụ nhiều lúc không đủ hàng để đóng.

Vải thiều Bắc Giang lập kỷ lục doanh thu hơn 6.000 tỷ, 60 năm mới có 1 lần - 1

Đất vải Lục Ngạn vào mùa vô cùng tấp nập.

“Đầu vụ, giữa vụ cũng đã thu mua khó khăn chứ không nói đến thời điểm cuối vụ. Vải được giá lại ít nên thu mua rất khó. Trung Quốc người ta đặt hàng bây giờ về cuối không đáp ứng được, người ta muốn thu mua vài ba xe nhưng mình làm 1 xe còn khó khăn do không đủ hàng”, ông Bùi Văn Cánh, chủ cơ sở thu mua vải Cánh Miến, thị trấn Kép, huyện Lục Ngạn cho biết.

Năm nay sản lượng vải ổn định hơn 90.000 tấn; giá cao kỷ lục từ 30.000-55.000 đồng/kg, cá biệt có lúc lên đến 80.000 đồng/kg, người trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đón nhận một năm "được mùa được giá".

Vải thiều Bắc Giang lập kỷ lục doanh thu hơn 6.000 tỷ, 60 năm mới có 1 lần - 2

Nông dân Lục Ngạn đón vụ mùa 2019 được mùa lại được cả giá.

Trung bình vài sào trồng vải nông dân có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng, cá biệt một số hộ trồng theo phương pháp hữu cơ giá cao gấp nhiều lần so với vải thường, chỉ với 10 quả vải giá đóng hộp có tem truy xuất giá có thể lên đến 200.000 đồng.

“Năm nay tiêu thụ rất dễ dàng, trên thị trường giá từ 35.000-55.000 đồng/kg đối với chính vụ, còn vải sớm giá cao hơn từ 45.000-70.000 đồng/kg. Vải hữu cơ chúng tôi cũng được doanh nghiệp giới thiệu đầu ra tiêu thụ giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường”, ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn - 1 trong 3 hộ trồng vải hữu cơ ở huyện Lục Ngạn - chia sẻ với VOV.

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, chất lượng vải thiều năm nay được các cơ quan chuyên môn cũng như bà con đánh giá là năm có chất lượng tốt nhất, với giá bán ổn định ở mức cao. So với năm 2018, sản lượng vải thiều thấp hơn, nhưng so với trung bình nhiều năm, vụ vải 2019 vẫn là năm được mùa với giá cao, nông dân trồng vải rất phấn khởi vì "được mùa, được giá".

Đây cũng là năm đầu tiên huyện thí điểm gần 20ha vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn. Với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn có giá bán cao gấp từ 3 đến 7 lần những năm trước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đến nay khoảng 50.000 tấn vải thiều Lục Ngạn đã được thông quan qua Trung Quốc, doanh thu toàn vụ vải năm nay ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 50% giá trị so với năm ngoái. Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu và một số thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như: Liên minh Châu Âu, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Nếu như năm 2016, tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ sản xuất vải thiều đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; năm 2017 là hơn 5.300 tỷ đồng và năm 2018 đạt gần 5.800 tỷ đồng thì đến niên vụ vải năm nay con số này đạt khoảng 6.100 tỷ đồng - phá vỡ mốc kỷ lục về giá trị trong hơn 60 năm trở lại đây.

Cũng chính từ việc mở rộng quy mô tiêu thụ vải trên các thị trường mà ở đất Lục Ngạn cũng sinh ra một nghề mới: Bán đá đông lạnh.

Như xưởng đá của ông Triệu, một trong những xưởng đá lớn nhất vùng vải Lục Ngạn, ngày nào hệ thống cũng vận hành 24/24 với tổng cộng gần 50 nhân công để đảm bảo sản lượng đá. 

Vải thiều Bắc Giang lập kỷ lục doanh thu hơn 6.000 tỷ, 60 năm mới có 1 lần - 3

Người dân Lục Ngạn có thêm nghề mới là bán đá lạnh để bảo quản quả vải.

"Hết mẻ này lại tới mẻ khác, làm liên tục mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Làm đá phải đủ thời gian thì đá mới già, chất lượng mới đạt tiêu chuẩn", ông Triệu chia sẻ với Người Đưa Tin.

Được biết, để làm hệ thống làm đá lớn, sản xuất được số lượng đá nhiều và chất lượng tốt, xưởng ông phải đầu tư đến gần 10 tỷ đồng. Mỗi mùa làm đá cao điểm kéo dài bằng với mùa vải thiều thì doanh thu của những cơ sở quy mô lớn có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Những điều bạn chưa biết về vải thiều Việt Nam

Đây là một trong những mặt hàng Việt được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Văn ([Tên nguồn])
Biến động giá vải thiều Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN