Vải “ngố” tràn ngập phố nhái vải thiều

Những loại vải này có màu sắc rất kém, quả to, cùi mỏng, chùm quả không đều… Đây là loại vải còn được nông dân gọi là vải “ngố”, có thể trồng ở nhiều nơi. 

Mấy ngày gần đây, trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện những loại vải thiều có giá rất rẻ chỉ 7.000-10.000 đồng/kg. Theo lãnh đạo  Sở NNPTNT Bắc Giang, đó là những loại vải chất lượng kém, nhái mác vải Lục Ngạn, bởi vải Lục Ngạn phải tới 10.6 mới bắt đầu thu hoạch.

Ăn theo mác vải “xịn”

Dọc các tuyến phố của Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng… những ngày gần đây đã xuất hiện nhiều điểm bán vải tự phát, hàng rong dưới mác vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà. Giá bán thường rất rẻ, đã làm nhiều người lầm tưởng, vải Lục Ngạn đã bước vào mùa thu hoạch nên giá giảm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, những loại vải này có màu sắc rất kém, quả to, cùi mỏng, chùm quả không đều… Đây là loại vải còn được nông dân gọi là vải “ngố”, có thể trồng ở nhiều nơi. Trao đổi với NTNN, bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho rằng, nếu thời điểm này ở nhiều nơi đã có vải thiều Thanh Hà bán với giá rẻ 10.000 đồng/kg là không hề có. Bởi, vụ vải thiều chính vụ phải qua 10.6 mới bắt đầu thu hoạch và giá bán sẽ cao hơn vải chín sớm ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/kg do chất lượng quả ngon và ngọt.

Vải “ngố” tràn ngập phố nhái vải thiều - 1

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang vỏ mỏng, cùi dày và có vị ngọt thanh. Ảnh: Trần Quang

“Những hàng rong bán có biển, logo đề “vải thiều Thanh Hà” bán giá rẻ ở các tuyến phố của Hà Nội chủ yếu là các loại vải thiều sớm có mẫu mã, chất lượng kém được trồng tại các tỉnh như Quảng Ninh, hay Hưng Yên, chứ không có chuyện vải Thanh Hà chưa thu hoạch mà đã bán tràn lan, giá rẻ như thế” – bà Hà chia sẻ. Bà Hà cho biết thêm, hiện Sở đang phối hợp với các đơn vị của Cục BVTV (Bộ NNPTNT) làm thủ tục, mời các chuyên gia Mỹ, Úc sang kiểm tra, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải thiều sang các thị trường mới mở này.

Tương tự, trao đổi với NTNN, ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, tính đến đầu tháng 6, toàn bộ diện tích vải chín sớm đã thu hoạch gần hết và đến 10.6 tới, 6 huyện trọng điểm trồng vải thiều của tỉnh sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch mới. Cũng phải nói rằng, sản lượng vải thiều chính vụ năm nay ước sẽ đạt trên 150.000 tấn (tăng trên 40.000 tấn so với năm 2014), dù chất lượng vải thiều năm nay có phần ngon và mẫu mã đẹp hơn, nhưng giá bán có thể cũng chỉ tương đương năm 2014 là từ 20.000 -30.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng, mẫu mã, chứ không thể có mức giá 10.000 đồng/kg được.

Nhận biết vải Lục Ngạn, Thanh Hà thế nào?

Theo ông Phượng, giá vải sớm tại các vùng vải sớm của tỉnh như Phúc Hòa, Cao Thượng (Tân Yên) hay Tân Mộc, Nam Dương (Lục Ngạn) đã từ 15.000 đến trên 20.000 đồng/kg, nên xuất đi các tỉnh, các thương lái phải bán hơn chứ không thể bán dưới mức giá mua tại vườn như các hàng rong đang bán tại các tuyến phố của Hà Nội được, đó có thể là vải thiều sớm của các tỉnh khác đưa vào bán dán mác Lục Ngạn cho dễ bán.

Ông Phượng cho biết: “Để nhận biết vải thiều Lục Ngạn chính vụ rất dễ bởi bao giờ quả vải cũng chín đỏ rực rỡ, quả hơi tròn, tựa dày, vỏ mỏng và hạt nhỏ hơn, khi ăn có vị ngọt thanh chứ không có hạt to, quả dài méo, màu vàng tươi như vải chín sớm các vùng khác. Vải thiều bán tại các tuyến phố của Hà Nội hiện phần lớn là các vải quả nhỏ, vỏ thường bị nám, hoặc bị sâu cuống nhiều, người mua chỉ quan sát bằng mắt và ăn thử là biết ngay”.

Ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết: “Tình trạng các hàng vải thiều dãn mác “xịn” vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà đã có xuất hiện từ nhiều năm nay rồi chứ không phải năm nay mới có”. Theo ông Hà, việc kiểm tra, kiểm định chất lượng mặt hàng này do các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương làm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, có thể các hàng bán rong trên có thể họ mua buôn tại các tỉnh lân cận, nhưng đó chủ yếu là loại vải kém chất lượng, có mẫu mã xấu nên bán với giá rẻ như vậy.

Theo ông Phượng, đến thời điểm này vải chín sớm ở Bắc Giang đã thu hoạch xong và phải đợi đến sau 10.6, khi vào chính vụ thu hoạch, vải thiều Lục Ngạn “xịn” mới lại xuất hiện ở Hà Nội được. 

Sẽ xuất 50.000 - 100.000 tấn vải 

Ủy ban Nghiên cứu chiến lược Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản vừa ký kết biên bản ghi nhớ với 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) về hợp tác đưa ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nhân dân các vùng trồng vải. Mục tiêu của chương trình là tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài ngay trong năm 2015.  Tại lễ ký kết, đại diện các công ty đến từ Nhật Bản, Australia, Malaysia, Israel cũng bày tỏ quan tâm đến quả vải thiều Việt Nam. Sau khi triển khai chương trình, dự kiến trong những năm tới lượng vải xuất khẩu có thể lên tới 50.000 – 100.000 tấn/năm.    
 

Vinh Hải

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN