“Ủ mưu, tìm kế” đẩy hàng dệt may tồn kho

Gánh nặng hàng tồn kho đè nặng vai các doanh nghiệp may mặc, giày dép tại Hà Nội. Do đó, họ đang tìm cách tống khứ bằng mọi giá để thu hồi vốn.

“Ủ mưu, tìm kế” đẩy hàng tồn kho

Các sản phẩm thanh lý bao gồm cả sản phẩm chính mùa như áo phông, quần soóc, váy… Và đặc điểm chung tại hầu hết các điểm bán hành thanh lý là khách hàng chỉ dừng lại ngắm và lắc đầu đi về, chưa hấp dẫn để khách hàng mua.

Chị Bình - một vị khách vừa bước ra từ cửa hàng quần áo trên phố Thợ Nhuộm (quận Hai Bà Trưng) nói: Đắt hơn hàng ở ngoài chợ. Thời “tiền khôn của khó” tiết kiệm từng đồng, không chỉ quan tâm đến hình thức mà còn phải quan tâm tới giá tiền nữa. Giảm giá mà vẫn 200.000 đồng -300.000 đồng/bộ thì ai mua. Cửa hàng bán hàng thanh lý đã ảm đạm như vậy, các gian hàng bán hàng quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc, cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu.

Không có khách mua hàng trong khi hàng tồn quá nhiều, xếp thành dãy. Các “người mẫu nhựa”- là công cụ để cửa hàng khoe đồ đẹp kích thích người tiêu dùng cũng được bịt kín bằng vải.

Nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, hàng dệt may than phiền rằng: Tiền bán hàng không đủ chi trả cho mặt bằng, trả lương nhân viên. Dù đã ủ trăm mưu nghìn kế, đổi nhiều bảng mẫu khuyến mãi từ “sale off” đến “thanh lý” đến “bán hàng đồng giá” hay “giảm 50%”, song ế vẫn ế. Hàng tồn đang ngày càng chất cao trên các kệ tủ.

Chị Hạnh - một nhân viên bán hàng thời trang trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) than thở: Bán hàng được 2 năm nhưng chị chưa bao giờ thấy cảnh ế ẩm lại kéo dài triền miên như vậy. Hàng mùa đông không bán được do đắt là một nhẽ, thời điểm hè nắng nóng mà quần soóc, váy cũng không bán được!

“Ủ mưu, tìm kế” đẩy hàng dệt may tồn kho - 1

Hàng dệt may tồn kho với số lượng lớn

Khó khăn nhân đôi

Và nỗi lo của cửa hàng bán lẻ chính là minh chứng rõ nhất cho việc “hàng dệt may đang gặp khó”. Bên cạnh việc phải đối mặt với những khó khăn nội tại do thị trường nội địa đuối dần sức mua, một số yếu tố mới phát sinh tại một số thị trường xuất khẩu cũng đang khiến cho các doanh nghiệp dệt may lo lắng về sự ổn định của đơn hàng trong thời gian tới.

Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng: Dù chưa có hợp đồng nào bị hủy nhưng đã có đối tác đề nghị giảm lượng hàng đã đặt. Suy giảm kinh tế của một số nước châu Âu thời gian qua cũng gây ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp dệt may.

Ông Nguyễn Văn Đô - Tổng Giám đốc DHA Group cho biết: Các đơn hàng có xu hướng giảm khi các thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ vẫn tồn nhiều sản phẩm quần áo của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho đầu tư phát triển, thuế môi trường đối với sản phẩm túi nylon dùng đóng gói hàng xuất khẩu... làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Đô - Tổng Giám đốc DHA Group cho biết: Dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Các đơn hàng có xu hướng giảm giá khi các thị trường xuất khẩu chủ lực là EU và Mỹ vẫn tồn nhiều sản phẩm.

Trước tình hình này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp dệt may ngoài việc xác định chính xác xu hướng thị trường và các yếu tố cạnh tranh truyền thống như năng suất, chất lượng, giá cả…thì việc phải tìm ra sức hút riêng của từng sản phẩm đối với nhu cầu của người tiêu dùng là giải pháp được sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Riêng đối với hàng tồn kho, khi hình thức và mẫu mã không phải là thế mạnh thì giá cả sẽ là yếu tố quyết định lựa chọn của số đông người tiêu dùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN