Tuyên chiến với chất cấm trong chăn nuôi
Chỉ có 10 kg trong tổng số hơn 6.000 kg salbutamol bán ra thị trường được sử dụng đúng mục đích
Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng C49 phát hiện doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương sử dụng chất cấm hồi cuối năm 2015 Ảnh: Minh Long
Đây là thông tin được đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng Phòng 5 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, đưa ra tại hội nghị tổng kết đợt ra quân cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 3-3 ở Hà Nội.
Mua 1 bán gấp 10 lần vẫn có người mua
Theo đại tá Phan Mạnh Thông, qua thống kê, trong năm 2015, đã có trên 20 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ tại kho của các DN, còn lại hơn 6.000 kg đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng mục đích, quy định.
“Salbutamol nằm trong số nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhưng ở Việt Nam, nhiều DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất này phối trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để kích thích tăng trưởng. Gia súc được nuôi bằng thức ăn có trộn chất này cho tạo tỉ lệ nạc nhiều hơn, màu sắc thịt tươi hơn” - ông Thông nói.
Cũng theo đại tá Phan Mạnh Thông, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều chiêu trò để khuyến khích người chăn nuôi sử dụng, như thông qua hình thức tặng kèm, hàng khuyến mãi, thậm chí nhận tiêu thụ gia súc. “Dù các cơ quan chức năng ra quân truy quét nhưng thực tế salbutamol vẫn được sử dụng lén nút ở các cơ sở chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ và có xu hướng chuyển về địa bàn nông thôn” - đại diện C49 nêu.
Còn Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết sau 4 tháng triển khai đợt cao điểm xử lý tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh cấm trong chăn nuôi đã có 13 DN bị phát hiện sử dụng chất salbutamol để phối trộn vào thức ăn gia súc.
Như PC49 tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, bắt giữ 6 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol cao hơn ngưỡng cho phép 63 lần của Công ty Thiên Nam (Bắc Ninh); Thanh tra Sở NN-PTNT và PC49 tỉnh Điện Biên phát hiện 1 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có 30 gói bột màu trắng (loại 1 kg), qua kiểm định phát hiện là salbutamol có hàm lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho biết trong đợt thanh tra cao điểm vừa qua, nguồn cung và sử dụng chất salbutamol đã bị khống chế. Thế nhưng, chỉ cần lơ là một chút, tình trạng sử dụng có thể tái phát. “Đến thời điểm này, C49 vẫn chưa phát hiện được nguồn nhập lậu chất salbutamol, tất cả đều được nhập khẩu chính ngạch” - ông Việt nói.
Theo ông Việt, 1 kg chất cấm salbutamol nhập khẩu chính ngạch chỉ có giá 1,5-1,6 triệu đồng nhưng giá này bị đẩy lên đến 15 triệu đồng/kg khi được tuồn ra ngoài bán trái phép cho người chăn nuôi. Tuy vậy, nhiều người vẫn chấp nhận mua salbutamol về để trộn vào thức ăn chăn nuôi bởi trung bình mỗi con heo ăn chất này cho lãi từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng vì nó siêu tăng trọng, giúp heo bung đùi, nở vai.
Phải triệt tận gốc, không làm vu vơ
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, bày tỏ lo ngại tình trạng chăn nuôi thủy sản cũng đang lạm dụng kháng sinh, chất cấm. Tại TP HCM, qua kiểm tra, xét nghiệm 141 mẫu thủy sản thì có tới 41 mẫu có tồn dư kháng sinh, chất cấm. Các mẫu thủy sản này có nguồn gốc từ hơn 10 tỉnh, đa số là vùng ĐBSCL.
“Khi có thông tin xét nghiệm, chúng tôi đều gửi về cho các địa phương, đề nghị phối hợp truy xuất tận gốc nhưng gần như không có phản hồi. Chúng tôi có cảm giác các địa phương đang “khoán trắng” cho lực lượng thú y của TP HCM, làm vậy thì khó có hiệu quả” - ông Trung nói.
Còn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt thì cho rằng công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế và kiến nghị mức độ xử phạt cao hơn đối với những hành vi vi phạm. Lĩnh vực an toàn thực phẩm có tới 3 bộ cùng quản lý nhưng hoạt động còn tương đối riêng rẽ, phối hợp chưa tốt.
“Quản lý, ngăn chặn sử dụng chất cấm cũng vậy, đầu tiên phải chặn được đầu vào đã. Chúng ta phải làm mạnh, quyết liệt nhưng chất cấm cũng nhiều bộ quản lý, nếu không có kiểm soát rành rọt việc nhập khẩu và cho phép sử dụng cụ thể thì rất khó để làm triệt để” - ông Việt nói.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng nhân dân hiện đang hoang mang, lúng túng trong việc sử dụng thực phẩm. Họ lo lắng không biết thực phẩm mua về được lấy ở đâu, có an toàn không, có sạch không. “Và nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt tay hành động quyết liệt để chỉ ra cho người tiêu dùng biết dùng thịt cá, rau củ quả ở đâu là an toàn” - ông Phát nhấn mạnh.
Theo “tư lệnh” ngành nông nghiệp, việc ngăn chặn sử dụng, buôn bán chất cấm không thể xử lý phần ngọn theo kiểu giám sát ở các lò mổ, trang trại chăn nuôi mà phải truy thông tin những trang trại này lấy chất cấm ở đâu, ở công ty nào, từ đó truy ra nguồn gốc nhập khẩu. Có như thế mới ngăn chặn được một cách hiệu quả.
Ngoài chất cấm trong chăn nuôi, việc kiểm soát tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản còn phức tạp hơn cả chất cấm; rồi vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là trên rau và trái cây, nhất là rau.
“Phải xử lý triệt để việc buôn bán, sử dụng chất cấm, kháng sinh trái phép trong chăn nuôi. Toàn ngành nông nghiệp phải xác định tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là mục tiêu ưu tiên số 1 nên phải có kế hoạch hành động tương xứng. Tất cả những vấn đề này phải được chuyển biến mạnh mẽ trong 4 tháng tới” - ông Phát yêu cầu các cơ quan quản lý.
1.663 mẫu rau, quả, thịt, cá chứa chất cấm Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, từ đầu năm 2015 đến tháng 2-2016, đã phát hiện có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép. |