Tung đủ chiêu khuyến mãi nhưng hàng quán vẫn lay lắt chờ... hết dịch Covid-19
Mặc dù các chủ quán bia đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để "hút" khách nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (nCoV), hoạt động kinh doanh ế ẩm kéo dài...
Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông vắng khách. Ảnh: Bảo Loan
Lao đao vì ế khách, không có doanh thu
Anh Đàm Ngọc Vũ (48 tuổi, chủ một quán bia hơi trên phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cho biết, khi dịch COVID-19 (nCoV) xâm nhiễm vào Việt Nam và có các ca nhiễm mới thì hoạt động kinh doanh của anh bắt đầu lao đao. Chia sẻ với PV, anh Vũ cho biết: "Từ khi có dịch COVID-19 (nCoV), quán bia của tôi gần như không có khách. Trước kia, mỗi ngày quán của tôi tiếp từ 30 – 40 bàn khách".
Cũng theo anh Vũ: "Người kinh doanh nào khi mở cửa hàng cũng phải vay chỗ nọ, chỗ kia. Như nhà tôi thì vay ngân hàng, hàng tháng đóng cả lãi lẫn gốc cũng gần chục triệu đồng. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, bản thân tôi vừa lo sức khỏe, vừa phải tính toán để có thu nhập để chi trả khoản vay. Còn nhân viên, vì lo lắng cho sức khỏe thì đến nay, gần 10 nhân viên làm cho quán của tôi chỉ còn lại 5, 6 người".
Anh Nguyễn Văn Quân (34 tuổi, chủ quán bún ốc ở đường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cũng chấp nhận "mất trắng" gần 100 triệu đồng để trả lại mặt bằng kinh doanh vì không có khách. Anh Quân cho biết, nắm bắt được tình hình kinh doanh dịp đầu năm, nhất là ở các điểm tâm linh, nên năm nào cũng vậy, cứ gần cuối năm là anh Quân thuê thêm 3 mặt bằng để mở quán bún ốc ở gần Phủ Tây Hồ, thế nhưng cũng vì dịch COVID-19 (nCoV), anh chấp nhận đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng kinh doanh vì vắng khách.
Anh Quân cho biết: "Đầu năm nào Phủ Tây Hồ cũng đông nghìn nghịt khách, bãi đỗ xe chật kín, người ra vào tấp nập, chen chúc, nhưng năm nay thì lác đác. Ai đến Phủ cũng đeo khẩu trang rồi vội vã ra về. Tôi trả lại 3 mặt bằng ở gần Phủ Tây Hồ và xác định lỗ. Hiện tại, tôi chỉ có một cửa hàng bún ốc ở gần khu nhà ở, dịch COVID-19 (nCoV) còn nhiều diễn biến mới thì tôi xác định kinh doanh cầm chừng thôi".
Khuyến mại sâu mà vẫn không có khách
Các cửa hàng ăn vắng vẻ từ khi dịch COVID-19 (nCoV) xâm nhiễm vào Việt Nam.
Những ngày này, nhắc đến doanh thu, chị Ngân (nhân viên một cửa hàng thời trang ở phố Lạc Long Quân, Tây Hồ) lại lắc đầu ngao ngán, bởi dù cửa hàng đã đưa ra chương trình khuyến mại đến 50%, thậm chí với khách hàng quen thuộc đến mua hàng còn được hưởng thêm ít nhất 10%/hóa đơn sản phẩm nữa, nhưng vẫn vắng lặng, thỉnh thoảng có một vài khách hàng đến thử đồ.
Hoạt động kinh doanh ế ẩm không chỉ diễn ra ở các quán ăn, nhà hàng, quán nước, cửa hàng thời trang mà các quầy hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại cũng chung cảnh ngộ. Chị H, nhân viên tại một quầy mỹ phẩm, đồ trẻ em trong trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho hay, mặc dù chỉ là nhân viên, thực hiện việc bán hàng theo chỉ đạo, nhưng tình trạng vắng khách không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của cửa hàng, mà nhân viên bán hàng gần như bị cắt hết các khoản hoa hồng chiết khấu từ sản phẩm và chỉ đủ điều kiện được nhận mức lương cơ bản.
Chị H cho biết: "Những ngày trong tuần, đi ra đi vào cũng chỉ gặp toàn nhân viên trong siêu thị. Ngày cuối tuần cũng có khách nhưng cũng không nhiều như trước khi có dịch COVID-19 (nCoV). Trong bối cảnh dịch bệnh này, chúng tôi và cả các khách hàng đều đeo khẩu trang kín mít. Chúng tôi cũng lo nhưng vì công việc, vì khoản lương nên chúng tôi vẫn phải làm. Nếu không làm thì lấy đâu ra tiền để chi trả các khoản chi phí?".
Vừa trò chuyện, chị H vừa nhìn sang quầy hàng thời trang kế bên và nói: "Cửa hàng đó đang giảm giá áo thu đông từ hơn 100.000 đồng/sản phẩm xuống còn 49.000 đồng/sản phẩm, nhiều mẫu mã đẹp và bắt mắt, dễ mặc. Thế mà cũng chịu cảnh vắng khách như chúng tôi".
Ngày 14/2, ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, không chỉ các nhà hàng, quán ăn và quán nước mà cả các trung tâm thương mại như Aeon Mall Hà Đông đều chung cảnh vắng lặng. Bên trong trung tâm thương mại này, một số nhân viên quầy hàng chỉnh trang, sắp xếp sản phẩm, còn số ít nhân viên thì ngồi xem điện thoại.
Chị Ngọc Ánh (23 tuổi, sinh viên một trường đại học) cùng bạn trai là số ít khách hàng có mặt tại đây cho biết: "Vì là ngày lễ tình yêu (14/2) nên từ sớm, tôi được người yêu đón đi chơi. Vào siêu thị chơi và dự định đi xem phim nhưng siêu thị rất ít người, tháng máy dẫn lên khu xem phim cũng không hoạt động, khung cảnh thật vắng lặng. Khi dịch COVID-19 (nCoV) có nhiều diễn biến mới, bản thân tôi cũng lo lắng nên kể cả đi chơi trong trung tâm thương mại, tôi cùng bạn trai vẫn đeo khẩu trang và các nhân viên ở đây cũng vậy".
Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng lượng tỏi nhập khẩu của Indonesia.
Nguồn: [Link nguồn]