Tung chiêu độc gom hồ tiêu, thương lái TQ lãi khủng

Thương lái Trung Quốc âm thầm mua gom hết hồ tiêu trong dân, sau đó đẩy giá lên, rồi đến các doanh nghiệp, đại lý đặt hàng với số lượng lớn. Nhưng thực tế nguồn hàng trong dân không còn nữa, lúc này họ mới tung số hàng đã mua trước đó ra bán cho chính các doanh nghiệp, đại lý này với giá cao.

15.000 đồng/kg… bụi đất

Không như mọi năm, thời điểm này thị trường hồ tiêu ở huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) trầm lắng một cách lạ thường. “Toàn bộ hồ tiêu trong huyện đã nằm gọn trong kho các đại lý và doanh nghiệp rồi, nguồn hàng trong dân không còn nữa, nên không còn cảnh mua bán tấp nập” – chị N, chủ đại lý nông sản H.P ở xã Ea K’Tur – cho biết. Điều lạ hơn là, mỗi đại lý đều có hàng chục tấn hồ tiêu trong kho, nhưng không bán cho các doanh nghiệp lớn, dù các đầu mối lớn vẫn xuất khẩu bình thường. Lý do là toàn bộ số hàng này đều được các đại lý, doanh nghiệp nhỏ mua vào với giá rất cao, bây giờ nếu bán ra theo giá thị trường sẽ lỗ nặng.

Chị N cay đắng nói: “Trước dịp nghỉ lễ 30.4, một số thương lái Trung Quốc đến đặt cọc một ít tiền, đặt mua với số lượng lớn, họ yêu cầu phải gom nhanh, giao ngay. Thấy thị trường có vẻ sốt, tôi nhanh chóng huy động vốn, mua vài chục tấn tiêu với giá cao để bán cho họ. Nhưng sau đó họ không quay lại, bỏ luôn tiền đặt cọc”.

Tung chiêu độc gom hồ tiêu, thương lái TQ lãi khủng - 1

Lỡ mua 20 tấn bụi tiêu với giá cao, chị N không biết bán cho ai .  Ảnh:  Đ.N

Còn theo ông Hồ Hữu Hải – chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông sản Hải Dung ở xã Ea Ning, thương lái Trung Quốc còn đặt hàng mua tiêu lép với giá 160.000 đồng/kg, thậm chí bụi tiêu (gồm tạp chất, bụi đất, cuống tiêu, lá khô vụn nát…) họ cũng mua 15.000 đồng/kg. Thấy có lãi, các doanh nghiệp, đại lý ở huyện Cư Kuin thu gom hàng chục tấn hàng tạp với giá cao, càng tranh nhau mua thì giá càng tăng chóng mặt. Trong đó nhiều đại lý đã bỏ ra 500 – 700 triệu mua vài chục tấn. Nhưng cũng như các hợp đồng mua tiêu chắc, thương lái Trung Quốc không quay lại nữa. Vậy là các đại lý, doanh nghiệp “ôm” cả trăm tấn bụi đất, phải tìm mối bán rẻ làm… phân vi sinh và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Chính chị N cũng đang “ôm” 50 tấn tiêu lép, 20 tấn bụi tiêu trị giá tới… 600 triệu đồng.

Điêu đứng vì “cơn sốt” ảo

Sau khi các số điện thoại của thương lái Trung Quốc “ò í e”, các doanh nghiệp ở Đăk Lăk mới hiểu ra thủ đoạn của họ. Đầu tiên, họ âm thầm mua gom hết hồ tiêu trong dân, sau đó đẩy giá lên, rồi đến các doanh nghiệp, đại lý đặt hàng số lượng lớn với yêu cầu gom nhanh, giao nhanh. Nhưng thực tế nguồn hàng trong dân không còn nữa, lúc này họ mới tung số hàng đã mua trước đó ra bán cho các doanh nghiệp, đại lý này với giá cao. Sau khi bỏ một ít tiền cọc, họ vẫn còn lãi khủng.

Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk cho biết: “Hiện tượng thương lái Trung Quốc đến địa bàn mua bán lòng vòng, tạo sốt ảo, gây nhiễu thị trường để trục lợi là có thật. Ví dụ họ mua 100 tấn tiêu với giá 175.000 đồng/kg, sau đó đặt hàng một đại lý với giá 190.000 đồng/kg, rồi quay lại bán cho chính đại lý đó với giá 185.000 đồng/kg. Như vậy mỗi kg tiêu họ lãi 10.000 đồng, chỉ mua tại chỗ, bán tại chỗ chứ không cần mang đi đâu”.

Còn theo Chi cục Quản lý thị trường Đăk Lăk, nếu họ yêu cầu giao hàng tại cửa khẩu, rồi đùng một cái không mua thì hậu quả còn nghiêm trọng hơn. Khi đó không những các doanh nghiệp Việt Nam lỗ nặng, mà hồ tiêu ở thị trường nội địa cũng rớt giá thê thảm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đồng Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN