Từ vụ 3.000 buồng chuối bị phá hoại: Kẻ xấu vẫn nằm trong bóng tối

Sự kiện: Kinh Doanh

Lại vừa xảy ra một loạt vụ phá hoại cây trồng, vật nuôi của nông dân ở nhiều địa phương. Tình trạng này không mới, nhưng đáng chú ý là thủ đoạn phá hoại ngày càng tinh vi hơn, khiến thiệt hại của nhà nông lớn hơn mà lực lượng chức năng không dễ phát hiện, xử lý thủ phạm. Thực tế này cũng khiến nông dân bất an trong việc sản xuất, nuôi trồng.

Đủ chiêu phá hoại

Mới nhất là vụ việc hàng nghìn cây chuối đặc sản ở Gia Lâm (Hà Nội) bị phun thuốc dấm ép chín non. Theo phản ánh của chị Đỗ Thị Thủy (quê Hưng Yên), ngày 22.11 vừa qua, thấy trời gió to, vợ chồng chị ra vườn chuối ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm (Hà Nội) kiểm tra xem có bị đổ không thì phát hiện hàng loạt các buồng chuối còn non bất ngờ... chín vàng.

Từ vụ 3.000 buồng chuối bị phá hoại: Kẻ xấu vẫn nằm trong bóng tối - 1

Anh Nguyễn Văn Tuấn xót xa vì vườn chuối đặc sản hàng nghìn cây nghi bị kẻ xấu phun thuốc ép chín sớm, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm (Hà Nội).  Ảnh: Đình Việt

“Theo kinh nghiệm trồng chuối nhiều năm của gia đình tôi thì khi chín thường chuối phải đủ ngày, quả phải to, căng và già đều, nhưng hiện các buồng chuối của tôi quả vẫn còn rất non mà đã bắt đầu chín và nứt toác vỏ. Chúng tôi cho rằng rất có thể vườn chuối đã bị kẻ xấu cố tình phun thuốc gì đó để phá hoại. Hiện vợ chồng tôi rất hoang mang và lo lắng vì còn hàng nghìn cây chuối khác đang trổ buồng” - chị Thủy chia sẻ.

Theo chị Thủy, hiện vườn chuối của gia đình chị và chị gái có khoảng 7.000 buồng, theo kế hoạch sản xuất thì còn khoảng 1-2 tháng nữa mới đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại qua kiểm tra thì cả vườn đã có khoảng gần 3.000 cây có buồng chuối non xuất hiện hiện tượng chuyển sang màu chín vàng bất thường, còn lại các buồng chuối non khác cũng đang bắt đầu có dấu hiệu bị ảnh hưởng.

“Đau xót quá, cả năm trông có vụ chuối bán tết để kiếm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, giờ chúng tôi sắp mất trắng cả tỷ đồng rồi" - chị Thủy ngậm ngùi.

Trên địa bàn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) gần đây liên tiếp xảy ra các vụ vườn cây ăn trái gần thu hoạch bị kẻ xấu chặt, phá làm thiệt hại nặng nề về kinh tế gia đình, gây tâm lý hoang mang cho người dân địa phương.Vừa qua, trong lúc đi thăm vườn, ông Đỗ Thanh Minh (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa) bàng hoàng khi phát hiện vườn mận 10 tháng tuổi, chuẩn bị cho trái của gia đình bị kẻ gian lẻn vào chặt phá 95 cây. Chưa hết bàng hoàng, đêm 4.11.2018, vườn mận của gia đình ông Minh tiếp tục bị đốn hạ 67 cây. Theo ông Minh, trên thân của những cây mận đều có vết dao chặt phá, ước tính tổng thiệt hại lên đến 50 triệu đồng.

“Trước nay, gia đình tôi sống không để mất lòng ai, hòa đồng với bà con lối xóm. Trước thực trạng vườn cây ăn trái bị kẻ xấu chặt phá, tôi mong ngành chức năng tìm ra thủ phạm, xử lý nghiêm minh nhằm tránh tình trạng này tái diễn” - ông Minh nói.

Bên cạnh vườn nhà ông Minh, vườn nhà ông Huỳnh Thanh Tùng ngụ ấp Tân Phú, xã Phong Hòa cũng bị kẻ gian cạo vỏ trên 18 cây nhãn xuồng cơm vàng và 55 cây cam, ước thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Ông Tùng nói như khóc: “Vì vốn ít nên tôi phải vay mượn tiền để đầu tư cho vườn nhãn, vườn đang chuẩn bị cho trái. Phát hiện vườn cây bị kẻ gian phá hoại, tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa. Gia đình đang phải đối mặt với cảnh nợ nần”.

Cơ quan chức năng bó tay?

Trung tá Nguyễn Văn Dững - Phó Trưởng Công an huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho rằng: “Thời gian qua, đơn vị có nhận được tin báo về các vụ việc phá hoại tài sản trên vườn cây ăn trái. Hầu hết các vụ việc đều xảy ra vào ban đêm, nơi vắng vẻ, vườn không có người trông coi nên công tác điều tra, truy tìm thủ phạm gặp khó khăn. Hiện nay, Công an huyện đã tiến hành điều tra xác minh số lượng cây ăn trái bị thiệt hại. Nguyên nhân dẫn đến hành vi trên có thể do hiềm khích cá nhân, cạnh tranh, ganh ghét nhau trong làm ăn...”.

Phải xử lý hình sự

Từng là chủ trang trại bị kẻ xấu phá hoại làm ảnh hưởng thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ông Phạm Văn Vương - chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp ở Hà Nội cho rằng: Cần có biện pháp mạnh, xử lý hình sự đối với những kẻ phá hoại sản xuất, hoa màu của nông dân thì mới đủ sức răn đe, làm gương cho những người khác. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ từ người dân đến chính quyền thì may ra mới có thể ngăn chặn được những hành vi phá hoại sản xuất.

Theo nhận định của cơ quan chức năng các địa phương, đa số các vụ phá hoại kiểu này là do mâu thuẫn cá nhân, nhưng việc điều tra, làm rõ là không dễ. Nhiều vụ việc phá hoại nông sản xảy ra thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc điều tra nhưng không tìm ra đối tượng phá hoại. Có vụ xác định được thủ phạm nhưng đấu tranh để bắt chúng nhận tội rất khó khăn, vì không bắt được quả tang nên tình trạng phá hoại vườn cây vẫn tiếp tục tái diễn.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN xung quanh vấn đề này, trung tá Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) cho biết, để tìm ra thủ phạm phá hoại nông sản phải xác định được rõ nguyên nhân của vụ việc là gì, hiểu được các mối quan hệ đời sống cũng như quan hệ làm ăn của gia đình bị phá hoại với các đối tượng có liên quan.

Cũng theo bà Lan, vì đã có quy định giá trị thiệt hại từ bao nhiêu tiền trở lên mới khởi tố hình sự nên có thể các đối tượng trước khi gây án cũng nghiên cứu và thực hiện nhằm tránh vi phạm hình sự. Có thể họ chỉ chặt vài gốc cây hay phá hoại một diện tích nhỏ, chưa đến khung xử lý hình sự thì về lâu dài sẽ tạo ra tâm lý coi thường pháp luật.

Để ngăn chặn và xử lý vụ việc kịp thời, bà Lan cho rằng, phải có sự cộng tác rất là nhiệt tình của bị hại. Nếu các vụ việc xảy ra liên tục, với tính chất như thế thì khá nghiêm trọng, công an nên có một sự bố trí, tổ chức lực lượng, xây dựng chuyên án để điều tra khám phá.

Ông Phạm Gia Phương - lãnh đạo một đơn vị chuyên hỗ trợ nông dân về pháp lý và tiêu thụ nông sản ở Ninh Bình cho rằng: Từ việc phá hoại của những kẻ bất lương, ngành chức năng cần khuyến cáo nông dân cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của gia đình, tích cực theo dõi, kịp thời tố giác tội phạm cho lực lượng chức năng để sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

"Người dân cần hình thành các tổ liên gia tự quản, trong đó thành viên là chính những người có vườn rẫy liền kề nhau. Để giúp người dân tránh những thiệt hại do các đối tượng xấu gây ra, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền, giải quyết những mâu thuẫn giữa người dân đến nơi đến chốn...” - ông Phương nhấn mạnh.

Tăng hướng dẫn người dân tự bảo vệ mình

Từ vụ 3.000 buồng chuối bị phá hoại: Kẻ xấu vẫn nằm trong bóng tối - 2

Luật sư Trương Quốc Hòe (ảnh) - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng: “Đối với người nông dân, tư liệu sản xuất và thu nhập chính là từ nông sản, vì vậy những hành vi phá hoại nông sản ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Chính vì thế, những hành vi này cần phải lên án và xử lý nghiêm”.

Luật sư Trương Quốc Hòe phân tích, về cơ bản, hành vi phá hoại cây trồng, vật nuôi của nông dân đủ dấu hiệu cấu thành tội “Hủy hoại tài sản”, tùy vào tính chất của hành vi và mức độ thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng cơ bản sẽ có hai trường hợp xảy ra, đó là nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại xảy ra. Trường hợp tài sản bị hư hỏng từ 2 triệu đồng trở lên có thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009). Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt cao nhất cho tội danh này là tù chung thân.

Theo luật sư Hòe, sở dĩ những vụ phá hoại nông sản khó tìm được thủ phạm vì các đối tượng thường chọn thời gian gây án vào ban đêm, khu vực nuôi trồng ở vùng hẻo lánh và các đối tượng lợi dụng chủ vườn không trông coi để hành động, nên việc thu thập chứng cứ trong quá trình điều tra gặp không ít khó khăn. Đa số các vụ phá hoại kiểu này là do mâu thuẫn cá nhân, có thể khoanh vùng nghi phạm nhưng việc điều tra làm rõ không dễ dàng. Nhiều vụ xác định được thủ phạm, nhưng đấu tranh để bắt chúng phải cúi đầu nhận tội là điều rất khó khăn, nếu không bắt được quả tang.

Trước ý kiến cho rằng, những vụ phá hoại nông sản, cơ quan công an làm việc chưa thực sự hiệu quả, vị luật sư cho rằng, trong trường hợp về cơ bản đã xác định được số tiền thiệt hại lớn, cơ bản đã đáp ứng được điều kiện để xử lý hình sự về tội “Hủy hoại tài sản”, ở đây cơ quan công an chưa tìm ra được cũng có thể là chưa tìm hiểu kỹ được nguyên nhân của vụ việc. Tức là cơ quan công an phải bám vào nguyên nhân của vụ án để dễ dàng điều tra, loại trừ các đối tượng. Nếu các vụ việc xảy ra liên tục, cơ quan công an nên có một sự bố trí, tổ chức lực lượng, xây dựng chuyên án để điều tra khám phá.

Vị chuyên gia pháp lý này cũng cho biết thêm, sau những vụ phá hoại nông sản liên tiếp xảy ra thời gian qua, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn các kỹ năng để người dân tự biết cách bảo vệ mình. Những nơi sản xuất quy mô lớn, có điều kiện hãy lắp camera để theo dõi. 

Đình Việt (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Đăng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN