Tự vệ trước làn sóng thực phẩm bẩn
Tình trạng thực phẩm không an toàn đang tràn ngập trên thị trường và trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Trong khi các cơ quan chức năng chưa kịp trở bộ, thì các bà nội trợ phải tự xoay xở để... tự cứu mình.
Chị Mỹ Hạnh ở quận 3, hôm 25.8, chóng mặt, mệt và phải nghỉ làm mấy ngày vì phải cấp cứu do ngộ độc rau cải mua ngoài chợ. Từ hôm bị bệnh, chị không dám đụng vào món rau. Còn chị Thanh Dung ở đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) cũng vừa “nếm” một trận đau bụng, nôn mửa do đi ăn phở ở một quán mới khai trương gần nhà. Bây giờ chị không dám ăn bất kỳ đồ ăn nào ngoài đường… Tình trạng này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Thêm các thông tin về bún nhiễm chất có thể gây ung thư, rau có thuốc trừ sâu, sữa nhiễm bẩn, đậu hũ có thạch cao dùng để đổ bêtông… đã khiến người tiêu dùng hoảng loạn thật sự, nhất là phụ nữ – người lo bữa ăn hàng ngày trong gia đình. Chị Mỹ Hoa, nhân viên văn phòng công ty vận tải nói, “mấy ngày nay tôi lo quá, nghe đậu hũ có thạch cao mà mẹ tôi lại ăn chay trường”… Và, còn biết bao các bà mẹ trẻ đang ngày đêm lo lắng vì thực phẩm và rau củ trong các bữa ăn hàng ngày của các bé sơ sinh.
Chị Thanh – bạn của tôi ở đường Tô Hiến Thành bức xúc: “Thực phẩm nhiễm bẩn tràn ngập thị trường mà vẫn chưa thấy các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm có những biện pháp tích cực nào để ngăn chặn và hạn chế…, có lẽ mình phải tự bảo vệ trước nguy cơ này”.
Trồng rau sạch tại nhà.
Tự sản xuất thực phẩm sạch
Do rau xanh thường sử dụng hàng ngày nên các bà, các chị chọn giải pháp: tự trồng rau tại nhà. Phong trào này nhanh chóng lan toả: rau được trồng trên sân thượng, bancông, trên tường, nóc nhà, có khi trồng trong nhà như dạng rau mầm.
Trong các khu phố, các bà còn “liên kết” lập nhóm để trao đổi rau và kinh nghiệm trồng cho nhau. Các bà lên mạng trao đổi hạt rau, phân bón và kinh nghiệm trồng trọt. Chị Thái Hà – người trồng rau tại gia có kinh nghiệm cho rằng: “Ít ra khi tự trồng mình biết mình đang ăn rau gì, cây bón cái gì, còn mua rau bên ngoài, có thể chất độc ăn vào ngấm từ từ thật đáng sợ! Xung quanh có nhiều người bị ung thư đấy thôi nên mình cứ phòng xa”.
Những người không có điều kiện tự trồng rau như chị Thu Ngân – nhân viên văn phòng có con nhỏ lo lắng, “tôi không dám mua rau ngoài chợ mà vào siêu thị mua nhưng bạn tôi một kỹ sư nông nghiệp cho biết, rau trong siêu thị vẫn có thể không an toàn”. Chị Ngân theo bạn bè đến các cửa hàng bán rau sạch với giá gấp ba rau thường để dành riêng cho con ăn. Chị thốt lên: “Thôi, hy sinh đời mẹ để củng cố đời con”. Với chị Mỹ Hoa (Bình Thạnh) thì lên mạng tìm kiếm cách làm đậu hũ.
Sau vài lần thử thành công, chị chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè trên mạng và được nhiều người đặt hàng. Trong công ty chị Hoa còn có người tự làm giá đỗ, làm đậu nành… rồi trao đổi sản phẩm cho nhau. Hay như chị Đặng Ngọc Vân (quận 12) bộc bạch: “Từ ngày nghe tin trong bánh canh có chất tinopal, mì làm bằng cao su… tôi phải tự mua bột về làm. Cực chút nhưng an toàn”.
Tự đi chợ phương xa
Trong giới nhân viên văn phòng cũng đang hình thành nhiều phương thức liên kết, phân phối thực phẩm sạch. Chị Thanh, nhân viên công ty dầu khí, văn phòng ở quận 5, tự lập một nhóm năm người, mỗi người sẽ làm một món nấu sẵn ở nhà, cung cấp cho những người kia, cứ thế luân phiên nhau xoay vòng cho hết tuần. Phong trào “trở về quê hương” là cách nói vui của các bà nội trợ đang tổ chức các cuộc săn lùng thực phẩm ở quê. Chị Trang (quận 11) từ ngày nghe chuyện gạo làm giả bằng cao su, bị tẩm hoá chất, ướp hương liệu… nên cứ vài tháng lại về quê chồng ở Tân Thạnh (Long An) chở gạo lên ăn. Số là, nhà chồng chị Trang có khoảng chục công ruộng, thu hoạch hai mùa lúa, gạo nhà trồng không bón thuốc trồng dài ngày, gạo hơi cứng nhưng an toàn. Chị Trang khoe: “Mấy chị bạn làm chung biết chuyện, nhờ mua dùm nhưng phải từ chối vì không kham nổi”. Với chị Việt Linh, quê ở Bến Tre thì đặt nuôi heo, gà, vịt ở quê với tiêu chuẩn chỉ ăn cám... Sau khi gà, vịt lớn, chị sơ chế và chuyển lên thành phố để mấy gia đình chia nhau sử dụng. Chị Linh cho biết, “cách này tuy mất công, giá không rẻ nhưng mua được sự yên tâm”.
“Đi chợ phương xa” là phương thức tự vệ của một số gia đình có điều kiện. Ngại trái cây tẩm hoá chất, trái cây Trung Quốc, thịt nhiễm bẩn nên chị Thuý Hà (quận 3) có người thân ở Phần Lan, cứ vài tháng, chị nhờ người thân bên đó mua giùm vài thùng trái cây gửi về và chia lại cho bạn bè. Chị Hà kể “Tuy hơi bất tiện và tốn kém nhưng yên tâm. Trái cây chuyển về bằng đường hàng không, không tẩm ướp chất bảo quản nên hương vị thơm, ngọt hơn hẳn”. Còn chị Kim Chi nhà ở Phú Nhuận cho biết, chị có biết những người hàng tháng thường đi chợ ở nước ngoài về bán, mình cần mua gì cứ đặt hàng là có. “Tôi thường xuyên đặt mua thịt bò Úc, sữa từ Mỹ về cho con cái ăn…”
… Và cứ thế, các bà nội trợ đang phải tự vạch kế hoạch đối phó trước làn sóng... thực phẩm bẩn.