Tư thương ép giá cá ngừ?

Một số đầu nậu nói do thương lái giảm giá mua nên họ phải ép ngư dân giảm giá theo, còn nguyên nhân vì sao giảm thì không quan tâm.

Sau khoảng 20 ngày đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, sáng 17-5, tàu cá của ông La Văn Minh cập cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) với 1,4 tấn cá ngừ. Ông Minh bần thần khi nghe đầu nậu thông báo giá thu mua cá ngừ đại dương loại 1 (lớn hơn 30 kg/con) chỉ còn 86.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng so với tháng trước.

Cầm chắc lỗ

“Chuyến này tàu doanh thu chỉ hơn 120 triệu đồng, mất hơn 14 triệu đồng. Trừ phí tổn gần 100 triệu đồng, còn lại chia cho 6 anh em thuyền viên không được là bao” - ông Minh than thở. Theo các chủ tàu cá, từ đầu năm đến nay, giá cá ngừ đại dương ở Bình Định giảm khoảng 20.000 đồng/kg, giảm mạnh nhất là từ sau đợt cá chết dọc biển miền Trung.

Tư thương ép giá cá ngừ? - 1

Tư thương mua cá ngừ đại dương ở cảng Hòn Rớ Ảnh: KỲ NAM

Ở tỉnh Khánh Hòa, nhiều tàu về cảng vào chiều 17-5 chỉ có vài con cá ngừ. Sản lượng khai thác chỉ bằng 50% so với cùng thời điểm năm 2015. “Điều lạ là theo quy luật cá ít thì giá lên nhưng hiện cá rất ít mà giá giảm. 80% tàu đi biển cầm chắc lỗ” - ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang), buồn bã.

Ngoài cá ngừ đại dương, giá thu mua cá ngừ sọc dưa cũng giảm 3.000-5.000 đồng/kg. Ngư dân Nguyễn Hứa, chủ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định, cho biết: “Đầu nậu nói vừa rồi cá ở dọc bờ biển miền Trung chết hàng loạt nên thị trường tiêu thụ chậm. Ngư dân đa số bán cá cho đầu nậu nên họ nói giá nào thì biết giá đó chứ không có quyền lựa chọn”.

Ông Lê Ngọc Hưng, chủ tàu cá ở tỉnh Khánh Hòa, cho biết thương lái nói giá giảm vì cá tồn kho nhiều. Theo ông Hưng, không chỉ cá ngừ mà thời điểm này đang là cao điểm đánh bắt các loại cá như chuồn, chù, nục… Các tàu đánh bắt loại này đều đạt sản lượng cao, bình quân từ 20-30 tấn/chuyến, dù giá giảm 10%-30% nhưng điều lạ là tàu về đến đâu tư thương mua hết đến đấy.

Nói sao cũng được

Một số đầu nậu thu mua tại cảng cá Quy Nhơn cho biết phải hạ giá thu mua là do thương lái giảm giá mua nên họ phải ép ngư dân giảm theo, nguyên nhân vì sao giảm thì họ không quan tâm. Số khác khẳng định giá giảm là do quy luật cung - cầu chứ không có chuyện o ép ngư dân.

“Sau việc cá ở một số tỉnh ven biển miền Trung chết, thị trường tiêu thụ cá có dấu hiệu chậm hơn trước. Trong khi đó, đang mùa trăng nên cá cập bờ nhiều, giá cá giảm là chuyện đương nhiên” - bà Nguyễn Thị Hồng, thương lái hải sản ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), phân tích.

Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quy Nhơn, cho biết gần đây, nhiều chủ tàu bán cá thấy giá thu mua giảm thì cho rằng bị đầu nậu, thương lái ép giá sau vụ cá ở miền Trung chết. Thực tế là do thị trường chứ không phải đầu nậu, thương lái vin vào cớ cá chết để ép giá.

Ông Hiếu cho rằng việc cá chết cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu thụ nhưng cá ngừ chủ yếu xuất khẩu và đánh bắt xa bờ mà vin vào lý do này thì không hợp lý.

Anh Phan Thái Anh, thuyền trưởng tàu KH-90116-TS ở tỉnh Khánh Hòa, thở dài: “Tư thương muốn nói sao chẳng được, chỉ có ngư dân là khổ vì không biết bấu víu vào ai. Ai nói sao thì biết vậy”.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho rằng việc tư thương ép giá bà con ngư dân là có thật vì tư thương cho rằng sức mua thị trường giảm do vụ cá chết vừa qua. Ông Én cũng khẳng định Nam Trung Bộ không ảnh hưởng việc cá chết và với hải sản đánh bắt cách bờ hàng trăm hải lý thì càng không ảnh hưởng.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết đang cử cán bộ đi kiểm tra, nếu phát hiện đầu nậu viện vào lý do cá chết để ép giá bán cá của ngư dân thì sẽ báo công an xử lý. Còn ông Én cho biết với những đầu nậu có tàu thu mua cá ở tỉnh Khánh Hòa, Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ yêu cầu thu mua đúng giá thị trường. Với các đầu nậu trên bờ, chi cục kiến nghị cảng Hòn Rớ và đơn vị chức năng cùng tham gia kiểm tra, quản lý giá cả.

Cá chết trên sông Hinh có thể do nắng nóng

Chiều 17-5, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), xác nhận có tình trạng cá chết trên sông Hinh (đoạn chảy qua huyện Sông Hinh). Tuy nhiên, nguyên nhân phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu cá chết, đồng thời làm việc với Nhà máy Tinh bột sắn Sông Hinh (hoạt động phía thượng nguồn khu vực cá chết).

Cùng ngày, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, trực tiếp kiểm tra tại khu vực cá chết. Theo ông Việt, nhận định ban đầu có thể do nắng nóng trong thời gian dài, những vũng nước tù đọng trên sông sinh tảo độc gây cá chết. Hiện tượng cá chết trên sông Hinh được phát hiện từ chiều 15-5. Những nơi cá chết nước có màu đen, bốc mùi hôi thối.

H.Ánh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh - Kỳ Nam (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN