Từ những thùng chứa hàng trăm lít, thuốc trừ cỏ Trung Quốc đã được 'hô biến' thành lọ nhỏ, mang thương hiệu Việt như thế nào?
Thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ cỏ) được đựng trong các can nhựa có dung tích lớn mang ngôn ngữ Trung Quốc nhưng để "biến hóa" thành hàng sản xuất tại Việt Nam, các công nhân đã sang chiết vào từng lọ nhỏ và dán các nhãn mới mang thương hiệu Việt.
Nhà số 19 nằm trong con ngõ nhỏ 785, đường Nguyễn Khoái (Hoàng Mai, Hà Nội), lượng người đi lại cũng rất vắng. Có lẽ, ít ai biết kho hàng không tên tuổi, không biển hiệu này lại là nơi xuất xưởng của hàng loạt thương thiệu thuốc trừ cỏ giả. Thuốc này được phân phối đến khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Cánh cổng đóng im ỉm nên không ai hay biết, bên trong cánh cổng đó có những gì.
Phần đất tại số 19 ngõ 785 có nhiều đơn vị thuê lại để sản xuất, kinh doanh. Nơi đây, các xe tải cũng thường xuyên ra vào. Tuy nhiên, mỗi lượt vào và ra đều có người mở, đóng cổng để kiểm soát chặt chẽ.
Nằm ở vị trí gần cuối, kho hàng của ông Phan Việt Anh (sinh năm 2001, ở Cao Lộc, Lạng Sơn) là nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc và "hô biến" thuốc này thành hàng có nguồn gốc tại Việt Nam.
Song, để "hô biến" thành công, công nhân của Phan Việt Anh đã sang chiết thuốc bảo vệ thực vật từ những can nhựa dung tích lớn có ngôn ngữ Trung Quốc sang những chai nhỏ. Sau đó, dán nhãn các thương hiệu thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam đã được in sẵn, như: LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480…
Nhãn hiệu thuốc trừ cỏ mang thương hiệu Việt được in sẵn để dán vào các chai nhựa mới chứa thuốc bảo vệ thực vật sang chiết từ can lớn.
Đáng chú ý, đây đều là những tên tuổi lớn trong làng thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam, được người nông dân trên cả nước tin dùng.
Sau khi được dán nhãn mới, các sản phẩm này được xếp vào thùng carton mới. Bên ngoài các thùng carton được in sẵn thông tin và logo của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn.
Cận cảnh nhãn hàng thuốc bảo vệ thực vật giả vừa được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) cho biết, đây là một trong những vụ việc vi phạm lớn.
Bởi để phát hiện và đột kích, lực lượng chức năng đã mất thời gian dài để thu thập thông tin từ nhiều tỉnh, thành phố về đường đi, nước bước của các đối tượng.
Ông Nghĩa cho hay, với số lượng 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ - tương đuơng với 17.900 lít, có thể sử dụng, diệt cỏ cho 12.000 ha cây trồng. Với số lượng này, cộng thêm tính chất dán nhãn, đóng gói và giả mạo nhãn hiệu, đơn vị sẽ chuyển giao vụ việc đến Cơ quan Công an để tiến hành xác minh, xử lý hình sự để mang tính chất răn đe.
Để "biến hóa" thành hàng sản xuất tại Việt Nam, các công nhân đã sang chiết vào từng lọ nhỏ và dán các nhãn mới mang thương hiệu Việt.
"Bởi lẽ, tại BLHS đã quy định rất rõ về chế tài xử phạt đối với lĩnh vực này. Do đó, chúng tôi phải làm thật chặt chẽ từ số lượng bao bì bị làm giả, chủng loại bị làm giả, loại mặt hàng bị làm giả, pháp nhân bị làm giả và quan trọng nhất người dân chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Nghĩa cho hay.
Ông Nghĩa cũng khuyến cáo, bà con nông dân, Hợp tác xã nên mua hàng chính hãng từ hệ thống đại lý lớn của doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, không tuỳ tiện mua hàng rẻ, hàng không rõ nguồn gốc chất lượng bởi ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng nghiệp vụ khu vực phía Bắc, chi nhánh Hà Nội của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn khẳng định, sản phẩm thuốc trừ cỏ mang tên LYPHOXIM đang bị Đội QLTT số 1 kiểm tra tại kho hàng của ông Phan Việt Anh là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của Công ty ông.
Cũng theo ông Dương, trong thời gian qua, Công ty đã nhận nhiều phản ánh của nhiều người nông dân và người tiêu dùng về việc sử dụng sản phẩm của Công ty không mang lại hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến cây trồng.
Tiến hành kiểm tra thực tế, Công ty đã ghi nhận những sản phẩm mà bà con nông dân phản ánh không phải là sản phẩm chính hãng do Công ty ông sản xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Gần 92.000 sản phẩm mỹ phẩm trên bao bì không có hoá đơn chứng từ hợp pháp bị phát hiện và tạm giữ, tổng trị giá theo niêm yết là gần 6 tỷ đồng.