Tù mù Quỹ Bình ổn xăng dầu, có nên bỏ để... "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"
Sau hai kỳ kìm giá, cuối cùng giá xăng cũng tăng vọt, doanh nghiệp ấm ức kêu âm Quỹ Bình ổn giá, còn người tiêu dùng không thấy được lợi. Theo nhiều chuyên gia, cần bỏ ngay quỹ này và để thị trường quyết định sự lên xuống của giá xăng dầu.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã chỉ trích Quỹ Bình ổn giá
Trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiếp tục nhận được câu hỏi về vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Hiện mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu.
Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá, theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. “Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm... khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Theo hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, người dân "thiệt thòi hơn là được lợi" với Quỹ Bình ổn giá.
Thời gian qua, giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao. 4 tháng đầu năm 2019, giá dầu thô biến động leo thang. Đỉnh điểm, ngày 23/4 đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 29-32% so với đầu năm 2019. “Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn. Ta đã phải chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá rất nhiều”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo bộ Công Thương khẳng định việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.
Trước đó, trong cuộc họp báo quý I/2019 ngày 5/4 tại bộ Công Thương, trước câu hỏi của báo chí về việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nữa không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải từng cho biết: "Cá nhân tôi không muốn có quỹ này. Tôi mong càng sớm càng tốt bỏ quỹ đi, để cong ăn cong, thẳng ăn thẳng". Tuy nhiên, ông cho biết ở thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Do đó, vẫn cần có vai trò quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, hiệp hội Xăng dầu Việt Nam không đồng tình với quan điểm này. Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã chỉ trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đơn vị này, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “thiệt thòi hơn là được lợi”. Lý giải về điều này, Hiệp hội cho rằng bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Do đó, Hiệp hội đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu “để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới”. Thêm vào đó, việc bỏ Quỹ Bình ổn sẽ giúp “tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối”, hiệp hội Xăng dầu kiến nghị.
Không được hưởng lợi, người dân còn phải ứng trước tiền quỹ
Lãnh đạo bộ Công Thương khẳng định việc dùng Quỹ Bình ổn giá thời gian qua đã giúp giá xăng dầu được kiềm chế phần nào nhưng nhiều doanh nghiệp lại bày tỏ phàn nàn về việc này. Số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại thời điểm cuối năm 2018 theo con số của bộ Tài chính là 3.504 tỷ đồng. Thế nhưng chỉ trong mấy tháng đầu năm 2019, số tiền này đã cạn, thậm chí về con số âm trong những kỳ điều chỉnh giá gần đây.
Đánh giá việc dùng quỹ thời gian qua để kiềm chế giá xăng là "không hợp lý", một doanh nghiệp xăng dầu cho hay: "Với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chúng tôi phải gửi vào một tài khoản ngân hàng cố định, lãi thì nhập vào gốc luôn và chúng tôi không được động vào số tiền đó. Nhưng khi quỹ bị âm thì phải vay ngân hàng hoặc bù bằng vốn tự có. Lãi suất vay nhẹ nhất cũng khoảng 7- 8%/năm, đó là bất hợp lý".
“Nhiều doanh nghiệp hạn mức vay có hạn, nên không vay được, cho nên nguồn cung thiếu”, đại diện doanh nghiệp này cho hay và nói rằng “nhà điều hành có lẽ không lường được việc dùng Quỹ Bình ổn ảnh hưởng đến nguồn cung như thế”.
Gần đây, giá xăng điều chỉnh tăng liên tiếp 3 kỳ và mức dùng Quỹ Bình ổn giá đã giảm dần. Vậy nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn âm nặng quỹ bình ổn giá, cho dù tốc độ âm có chậm hơn. “Cứ đà này thì đến cuối năm may ra Quỹ Bình ổn giá tại doanh nghiệp chúng tôi mới bằng 0 chứ chưa nói là dương”, vị đại diện cho một doanh nghiệp xăng dầu chia sẻ.
Theo số liệu của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp âm hơn 320 tỷ đồng, PVOil ghi nhận đã âm gần 670 tỷ đồng ở thời điểm trước 2/5. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Petrolimex mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch Petrolimex, hiện là Phó Chủ tịch hiệp hội Xăng dầu, cho rằng: Quỹ Bình ổn xăng dầu đang bị lạm chi. Đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.
"Đây vẫn tiền của dân và trả qua lại như vậy dân chẳng có lợi gì. Ngay cả thị trường cũng không có lợi bởi việc xả và trích quỹ làm cho giá xăng dầu méo mó, không đúng với giá thị trường nữa. Quỹ này nên bỏ từ lâu rồi”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, khi Quỹ Bình ổn xăng dầu tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại. "Chúng ta sử dụng Quỹ Bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ.
Saigon Petro, trong kiến nghị gửi bộ Công Thương, Tài chính cũng thừa nhận: Đối với các doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp tiêu thụ mạnh mặt hàng xăng E5, thì Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối đó sẽ giảm đáng kể (không loại trừ sẽ bị âm) trong khi các doanh nghiệp đầu mối không có mặt hàng xăng E5 thì Quỹ Bình ổn giá vẫn được đảm bảo. “Điều này sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng xăng E5”, Saigon Petro nêu ý kiến.
TS. Nguyễn Minh Phong - một chuyên gia từng nhiều lần lên tiếng đề xuất bỏ hẳn Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - cho rằng: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực sự không giống ai cả. Quỹ Bình ổn này có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, rất dễ thất thoát vì không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo thôi, rất khó kiểm soát”.
Theo ông Phong, để thực hiện mục tiêu bảo vệ lợi ích người tiêu dùng thì phải dùng nguồn khác lập quỹ, chẳng hạn như trích lại một phần lợi nhuận. "Các doanh nghiệp xăng dầu khác nhau sẽ sở hữu lượng quỹ BOG khác nhau, nghịch lý là có khi trích quỹ cả năm nhưng chỉ xả một vài kỳ điều hành đã âm quỹ, điều đó cho thấy cơ quan điều hành giá đang lạm dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu, làm nhiễu loạn thị trường, chỉ có thiệt cho người tiêu dùng", ông thẳng thắn.
Trao đổi với báo chí, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng trước tiền cho quỹ này bởi bản chất của quỹ chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một thời gian nhất định, sau đó giá sớm muộn cũng sẽ được điều chỉnh. "Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thì cần phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường, giá cả mặt hàng xăng dầu cũng theo đó để điều chỉnh", ông Doanh bình luận.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, một trong những vấn đề liên quan tới Quỹ Bình ổn xăng dầu còn ở tính minh bạch thông tin. Hiện nay, đa phần người dân không biết việc điều hành quỹ này như thế nào, cơ chế ra sao. Chưa kể không loại trừ trường hợp, các doanh nghiệp có thể “lợi dụng” quỹ để hưởng lợi.
Bộ Tài chính vừa công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết quý 3/2018 (đến hết ngày 30/9/2018) với số dư hơn 3.039...