Từ loại cây đặc sản của làng, 9x thu về hơn 300 triệu đồng/năm với nghề tay trái

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bất ngờ hơn khi đây chỉ là công việc tay trái của anh Lưu, mỗi tháng tranh thủ làm vài ngày hoặc khi rảnh rỗi.

Những ngày đầu tháng 8, khi hàng nghìn cây trám của xã Hoàng Vân bắt đầu cho quả chín, thứ quả được coi là “vàng đen” của làng là những ngày anh Trần Văn Lưu, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) bận rộn nhất. Bởi vì ngoài công việc ngày làm ít nhất 8 tiếng, chưa kể tăng ca ở một công ty điện tử ở Thái Nguyên, thời gian còn lại, anh lại đi tìm đến những hộ dân có những cây trám ngon để mua hạt, đề xuất lấy mắt ghép về làm.

Cây trám được người dân xã Hoàng Vân trồng tại các bãi bồi ven sông Cầu từ hàng trăm năm nay. (Ảnh: Trần Lưu).

Cây trám được người dân xã Hoàng Vân trồng tại các bãi bồi ven sông Cầu từ hàng trăm năm nay. (Ảnh: Trần Lưu).

“Thôn của tôi nhà nào cũng có ít nhất một cây trám vài chục năm tuổi trong vườn nhà. Cả thôn có 300 hộ dân nhưng có tới hơn 1.000 cây trám đang cho thu hoạch. Trong đó, có hàng trăm cây từ 60-70 năm tuổi và một số cây đã được công nhận là cây di sản”, anh Lưu nói.

Những cây trám đầu dòng từ 60 năm tuổi trở lên của làng được đánh số để bảo tồn, hàng năm thu hoạch cả tạ quả/cây. (Ảnh: Trần Lưu).

Những cây trám đầu dòng từ 60 năm tuổi trở lên của làng được đánh số để bảo tồn, hàng năm thu hoạch cả tạ quả/cây. (Ảnh: Trần Lưu).

Chỉ vào những rổ hạt trám xếp gọn gàng ở hiên nhà, anh Lưu cho biết, số hạt trám này anh đi mua của một số nhà có cây trám đầu dòng, cổ thụ cho quả ngon, cùi dày, béo với giá 50 nghìn đồng/kg để về ươm hạt.

Sau khi ươm khoảng 25-30 ngày, hạt trám sẽ mọc mầm và sau 9-12 tháng sẽ được anh trực tiếp ghép mắt cho từng cây. Nói thì dễ nhưng công việc ghép mắt trám đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật rất cao. Vậy nên, cả làng chỉ có vài người làm được.

Đến mùa thu hoạch trám, anh Lưu lại đi mua hạt về ươm cây giống nhằm bảo tồn và phát triển kinh tế từ trám đen. (Ảnh: Trần Lưu).

Đến mùa thu hoạch trám, anh Lưu lại đi mua hạt về ươm cây giống nhằm bảo tồn và phát triển kinh tế từ trám đen. (Ảnh: Trần Lưu).

Trước đây, anh cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, học xong lại đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Tiền lương nhận về hàng tháng trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi thấy quả trám đen ngày càng có giá, đến mùa trám, thương lái khắp nơi đổ về làng tìm mua trám đen với giá từ 120-150 nghìn đồng/kg, anh Lưu quyết định tìm cách nhân giống trám đen.

“Tính tôi tò mò lắm, muốn tự tay nhân giống những cây trám cho quả ngon của thôn mình để trồng, bảo tồn loại cây đặc sản để phát triển kinh tế vì không nhiều người ghép thành công cây trám, cả xã chỉ có vài người làm được”, anh Lưu cho hay.

Quả trám đen của làng Vân Xuyên có hình thoi, vỏ tím đen, cùi dày, bùi và béo. (Ảnh: Trần Lưu).

Quả trám đen của làng Vân Xuyên có hình thoi, vỏ tím đen, cùi dày, bùi và béo. (Ảnh: Trần Lưu).

Năm 2019, anh Lưu bắt đầu lấy hạt từ những cây trám cổ thụ cho quả ngon trong vườn nhà để ươm cây và ghép mắt. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm cộng với việc ghép mắt trám là công việc cực kỳ khó nên anh liên tiếp gặp thất bại, hạt không mọc, cây ghép không nở.

Không nản lòng, anh đi hỏi kinh nghiệm của một số người lớn tuổi trong làng rồi về tự mày mò, rút kinh nghiệm qua từng công đoạn ghép mắt để cho ra được kỹ thuật ghép trám tốt nhất và thành công.

Trám ghép được chọn cẩn thận từ công đoạn mua hạt, ươm cây đến chọn mắt ghép. (Ảnh: Trần Lưu).

Trám ghép được chọn cẩn thận từ công đoạn mua hạt, ươm cây đến chọn mắt ghép. (Ảnh: Trần Lưu).

“Những cây trám ghép sau 3 năm trồng là có thể ra quả. Một cây trám trưởng thành 10 năm tuổi sẽ cho thu hoạch khoảng 50kg quả vậy nên việc nhân giống trám đen vừa giúp bảo tồn những cây trám ngon của làng vừa giúp nhiều người phát triển kinh tế từ loại quả này”, anh Lưu nói.

Theo anh Lưu, cây trám rất hợp với vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Cầu quê anh nhưng lại không chịu được ngập úng. Vì vậy, để làm bầu ươm cây, anh lấy đất phù sa trộn với vỏ trấu đã qua xử lý.

Mắt ghép được anh Lưu chọn lọc ở những cây trám ngon nhất làng. (Ảnh: Trần Lưu).

Mắt ghép được anh Lưu chọn lọc ở những cây trám ngon nhất làng. (Ảnh: Trần Lưu).

Sau khi ươm từ 9-12 tháng, anh Lưu sẽ tiến hành ghép mắt. Sau đó, khi mắt bật mầm, anh chăm sóc thêm 1,5-2 tháng cho cây ghép phát triển ổn định, có lá bánh tẻ, cao từ 80-120cm sẽ bán với giá từ 180-200 nghìn đồng/cây; cây trên 1,5 mét có giá 500 nghìn đồng/cây.

Mắt ghép anh Lưu sử dụng đều được tuyển chọn từ những cây trám ngon nhất làng nên số lượng cây ghép cung cấp ra thị trường hàng năm cũng hạn chế.

Anh Lưu phụ trách ươm hạt, ghép cây, còn mẹ anh phụ giúp việc chăm sóc, tưới cây và làm cỏ hàng ngày. (Ảnh: Trần Lưu).

Anh Lưu phụ trách ươm hạt, ghép cây, còn mẹ anh phụ giúp việc chăm sóc, tưới cây và làm cỏ hàng ngày. (Ảnh: Trần Lưu).

“Năm ngoái tôi ươm 4.000 cây nhưng đến tháng Giêng là không còn cây trám ghép nào để bán vì chỉ ghép được 2.000 cây do không có đủ mắt ghép. Nếu lấy nhiều mắt quá thì cây trám sẽ bị chột, không ra quả. Do vậy, mỗi cây trám chỉ lấy một số mắt nhất định. Đặc biệt, mắt ghép có mua cũng không ai bán. Tôi phải mang cây giống mình ghép được đi đổi lấy mắt ghép đấy”, anh Lưu bày tỏ.

Mỗi năm, anh Lưu cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây trám ghép, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế từ cây trám đen. (Ảnh: Trần Lưu).

Mỗi năm, anh Lưu cung cấp ra thị trường hàng nghìn cây trám ghép, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế từ cây trám đen. (Ảnh: Trần Lưu).

Năm 2023, hơn 2.000 cây trám ghép được anh Lưu nhân giống không đủ cung cấp ra thị trường, mang về doanh thu từ 350-400 triệu đồng/năm, chưa trừ chi phí nhưng anh vẫn không bỏ việc ở công ty điện tử.

Anh cho rằng, công việc ươm và ghép trám chỉ là thời vụ. Mỗi năm chỉ bận nhất vào tháng 8 là thời điểm ươm cây, tiếp đó là tháng Giêng và tháng 4 là thời điểm ghép mắt. Mỗi ngày, anh tranh thủ vài tiếng là làm xong việc. Hôm nào bận quá, anh thuê thêm 1-2 người làm công nhật hoặc xin công ty nghỉ vài ngày là ổn.

Ngoài phát triển kinh tế, anh Lưu còn giúp bảo tồn những cây trám đen lâu năm bị sâu mục hay bão làm gãy đổ. (Ảnh: Trần Lưu).

Ngoài phát triển kinh tế, anh Lưu còn giúp bảo tồn những cây trám đen lâu năm bị sâu mục hay bão làm gãy đổ. (Ảnh: Trần Lưu).

Nhờ dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, anh Lưu không những vẫn duy trì được công việc đã từng gắn bó với mình hơn 10 năm qua mà còn giúp địa phương bảo tồn và nhân giống loại cây đặc sản nổi tiếng cả vùng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ cây trám, anh Lưu vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giúp nhiều hộ dân của các địa phương khác có cơ hội tăng thêm thu nhập từ loại cây này.

Từ một hộ nuôi nhỏ lẻ ở một xã miền núi, ông Thắng đã gắn bó với nghề này được gần 30 năm, trở thành cơ sở sản xuất trứng tằm lớn nhất nhì tỉnh Phú Thọ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN