Từ giao dịch trăm tỷ đến lừa đảo Lan đột biến: Tham làm mờ mắt
Theo các chuyên gia, tại nhiều nước trên thế giới, người dân cũng chơi các dòng lan đột biến nhưng giao dịch với giá quy đổi tương đương hàng tỷ đồng thì rất hiếm. Còn ở Việt Nam, tình trạng thổi giá lan đột biến hiện nay rất dễ biến tướng thành hình thức đa cấp, dấu hiệu lừa đảo khá rõ; và chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vụ tranh chấp trong tương lai.
Dấu hiệu đa cấp lừa đảo
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Gia Thọ, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, cả chục năm nay, giá lan chỉ ở mức tiền triệu đồng, còn cao nhất cũng khoảng vài ba chục triệu đồng. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây giá lan bỗng nhiên “đột biến” đến tiền tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng là rất bất thường.
Theo ông Thọ, trước đây trong hội sinh vật cảnh, các thành viên thường xuyên giao lưu với nhau những cây đẹp, giống đẹp nhưng chưa bao giờ bán được giá tiền tỷ.
“Đây chắc chắn là giá ảo và chiêu trò lừa đảo của một nhóm người tự làm trò, bất chấp tất cả để có thể giàu nhanh. Còn trong hội, những người trồng lan chân chính không tin nó có mức giá như thế”, ông Thọ cho hay.
Ông Thọ cho rằng, trong bối cảnh đời sống kinh tế được nâng cao, phong trào chơi lan cũng trở nên sôi động hơn. Tuy vậy, tình trạng thổi giá lan đột biến hiện nay đã chuyển sang một hướng khác, rất dễ biến tướng thành thức đa cấp lừa đảo. Những người bị lừa, vì số tiền lớn nên thường không dám lên tiếng mà vẫn âm thầm tiếp tục đi lừa người khác. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, càng ngày sẽ có nhiều vụ lừa đảo xảy ra gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.
Bong bóng sẽ vỡ
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh vật Việt Nam phân tích sâu hơn. Với công nghệ hiện nay không khó để tạo ra các giống lan đột biến. Những người trồng lan bình thường bán được vài trăm nghìn đến vài triệu đồng đã thấy quý.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, về khía cạnh kinh tế, đến nay chưa có cơ quan nào có chức năng kiểm định, cấp giấy chứng nhận hay công nhận về giá trị thị trường tiền tỷ của những cây lan đột biến mà chỉ là chiêu trò gây chú ý trong thời đại truyền thông xã hội của một nhóm người.
“Những người này quảng cáo thông qua các trang mạng xã hội rất hấp dẫn. Trong quá trình này, để tạo sự tin tưởng và lôi kéo người khác tham gia cũng có người thắng tiền tỷ thật. Nhưng khi thổi giá đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, người mua lan rất khó bán lại. Cho nên những người phía sau là những người thiệt và trong tương lai, hiện tượng bong bóng này chắc chắn sẽ vỡ”, GS Dũng khẳng định.
Cần một cơ quan thẩm định giá?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện theo quy định của Luật Trồng trọt và Nghị định 94, chỉ có 6 giống cây gồm lúa, ngô, cà phê, cam, bưởi, chuối muốn được lưu hành phải thông qua khảo nghiệm.
Còn với loại cây trồng khác, mọi tổ chức, cá nhân muốn lưu hành, buôn bán phải thực hiện tự công bố lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt, Nghị định 94 và tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà họ công bố. Nếu buôn bán mà không phù hợp với thông tin đã công bố sẽ bị xử phạt.
Theo đại diện của Bộ NN&PTNT, phong trào chơi lan đột biến tiền tỷ đang diễn ra tại Việt Nam rất giống hiện tượng chó Nhật cách đây gần 30 năm và giống như hoa tuylip ở Hà Lan cách đây mấy trăm năm.
Cũng theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Nghị định 94, các giống hoa và cây cảnh, được phép sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 40 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được tiếp tục sản xuất kinh doanh đến hết ngày 31/12/2022 mà không cần phải làm thủ tục tự công bố. Do đó, lan đột biến hiện được lưu thông tự do trên thị trường.
Theo ông Cường, trong bối cảnh ngành hoa, cây cảnh khá phát triển trong thời gian gần đây, Cục Trồng trọt đã báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh từ 2020 đến 2030. Mục đích là phải điều tra, đánh giá một cách đầy đủ những thông tin về giá cả, tiềm năng của ngành hàng, định hướng phát triển, xây dựng chính sách để quản lý, thúc đẩy.
Với trường hợp giá lan đột biến lên đến tiền tỷ, chục tỷ thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng, ông Cường cho rằng, chỉ Việt Nam mới có giá này. Trên thế giới, người dân ở nhiều nước cũng chơi các dòng lan đột biến nhưng để giao dịch với giá đắt đỏ thì rất hiếm, và không có giá trị nhiều. Tuy nhiên, giá giao dịch lan đột biến mang tính chất dân sự, nên cơ quan quản lý Nhà nước không thể yêu cầu về giống hay can thiệp vào giá trên thị trường.
Do vậy, để hạn chế những diễn biến phức tạp về giá lan, theo ông Cường, cần một cơ quan độc lập để thẩm định giá lan, chẳng hạn như Hội sinh vật cảnh Việt Nam hoặc Hội hoa lan. Khi đó, các giao dịch mua bán phải có hợp đồng, hóa đơn để ràng buộc khi xảy ra tranh chấp và biết được giá neo của lan trên thị trường để giúp các bên giao dịch nhận biết đó là giá thật hay ảo.
Cục Trồng trọt cho biết, việc lưu thông lan đột biến là hoàn toàn theo nhu cầu thị trường và nằm ngoài quy định của...
Nguồn: [Link nguồn]