Tủ đông, tủ lạnh đắt khách nhưng... khó bán
Các hệ thống siêu thị điện máy vẫn nhận đơn đặt hàng online song không phải đơn nào cũng có thể xử lý, giao hàng sớm
Trước đây, mặt hàng tủ đông chủ yếu phục vụ khách là nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhưng lại trở thành thiết bị cần thiết để trữ đồ ăn cho hộ gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tương tự, tủ lạnh "side by side", tủ mát… trước đây cũng "kén" người mua song nay lại là thời điểm hợp lý để xả hàng tồn.
Nhu cầu trữ đồ ăn tăng cao
Chị Hoàng Hải Anh (ngụ quận 2, TP HCM) vừa kịp mua một chiếc tủ đông để tích trữ đồ ăn phục vụ gia đình gồm 6 người trong giai đoạn TP thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. "Tôi đặt mua online trên một hệ thống siêu thị điện máy và được giao khá nhanh, có nhiều ưu đãi" - chị Hải Anh cho hay.
Hiện tại trang web của các siêu thị, trung tâm điện máy đều đăng tải nhiều chương trình ưu đãi lớn dành cho khách hàng. Trong đó, khách đặt hàng online và thanh toán online được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với hình thức mua tại trực tiếp. Chẳng hạn, siêu thị điện máy Chợ Lớn giảm giá nhiều mặt hàng đến 50%, tặng thêm voucher mua sắm trị giá lên đến 7,7 triệu đồng. Điện máy Xanh giảm giá 27% cho hàng điện máy, hàng gia dụng giảm 47%. Thiên Hòa giảm giá tủ đông, tủ mát đến 44%. Nguyễn Kim giảm giá hầu hết các mặt hàng đến 49%.
Riêng với mặt hàng tủ lạnh "side by side" (từ 400 lít trở lên), tủ đông, tủ mát…, các hệ thống bán lẻ "ưu ái" giảm giá nhiều nhất có thể và chăm sóc khách hàng rất tận tình. Đặc biệt, nhiều loại tủ đông có giá bán chỉ còn hơn 3 triệu đồng/chiếc, miễn phí vận chuyển, thời gian bảo hành dài.
Các hệ thống siêu thị điện máy thừa nhận một tháng trở lại đây, sức mua các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông tăng khá mạnh. Chẳng hạn, siêu thị điện máy Chợ Lớn ghi nhận sản phẩm tủ lạnh từ 400 lít trở lên và tủ đông từ 250-400 lít bán chạy nhất trong thời gian gần đây. Khách mua tủ lạnh loại lớn tăng 30%-50% và sức tiêu thụ tủ đông tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm. "Tủ lạnh "side by side", tủ đông, tủ mát trước đây "kén" người mua nên nguồn hàng tồn kho rất lớn. Dịch bệnh khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn ở các nhóm khác như tivi, máy lạnh, đồ điện gia dụng… cũng trở thành vấn đề nan giải với nhà bán lẻ. Đây là thời điểm phù hợp để đẩy hàng tồn trong nhóm tủ đông, tủ lạnh và kích thích mua sắm ở những nhóm khác nên chúng tôi giảm giá nhiều nhất có thể" - đại diện một hệ thống siêu thị điện máy cho hay.
Nhiều cửa hàng điện máy trên cả nước đã đóng cửa, việc giao nhận cũng khó hơn trước
Giao hàng khó khăn
Trong khi các chuỗi bán lẻ vẫn duy trì được sức mua và vận chuyển tại một số địa phương chưa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì tại TP HCM, hoạt động này có phần khó khăn hơn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM đã tạm ngưng giao hàng cho khách. Bà Nguyễn Trần Thảo Nguyên, Tổng Giám đốc điều hành Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, xác nhận tuy đã tạm ngưng giao hàng cho khách nhưng hệ thống bán hàng online của trung tâm vẫn hoạt động để tiếp nhận đơn hàng mới. Tuy nhiên, khi xác nhận đơn hàng, bên bán sẽ thông báo rõ với khách về việc sẽ giao hàng chậm do phải thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh của TP.
Một số siêu thị, trung tâm điện máy khác tại TP HCM cũng cho biết vẫn tiếp tục nhận đặt đơn mua hàng online từ khách hàng. Sau đó, trung tâm, siêu thị điện máy tiếp nhận đơn hàng và phân loại theo khu vực để trả lời khách về việc địa bàn của khách có thể giao hàng được hay không. Nếu khách ở khu vực thuận lợi, siêu thị hoặc cửa hàng điện máy vẫn sẽ chốt đơn và giao hàng cho khách.
Đại diện một siêu thị tại TP HCM cho hay hiện tại, ở các điểm bán lẻ, hoạt động đóng gói, giao hàng đã tạm dừng. Tuy nhiên, siêu thị vẫn có thể giao một số món hàng có sẵn tại các kho chứa. "Chúng tôi hiện có gần 10 kho hàng tại TP HCM. Nếu khách đặt mua hàng online ở ngay quận, huyện có kho hàng thì sẽ được chốt đơn hàng và tiến hành giao ngay, còn với các đơn từ quận khác thì chúng tôi buộc phải tạm từ chối hoặc giao sau" - đại diện siêu thị xác nhận.
Nhiều nhà bán lẻ điện máy khu vực phía Nam cũng thông báo rõ với khách về việc đơn hàng online chưa thể giao nhận ngay sau khi đặt mua, bên bán sẽ giao sau khi hết thời gian giãn cách hoặc khi địa phương cho phép vận chuyển hàng hóa trở lại.
Trông chờ vào bán hàng online
Tại các cửa hàng, siêu thị điện máy ở các địa phương trên cả nước, sức mua giảm sút đáng kể do làn sóng dịch bệnh bắt đầu lây lan rộng. Các hệ thống xác định bán hàng online là giải pháp "cứu vãn" duy nhất hiện nay.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi CellphoneS, cho biết tại hầu hết các shop của hệ thống trên địa bàn cả nước, gần như 100% doanh số hiện nay đều đến từ kênh online. Riêng ở khu vực phía Bắc, vẫn còn một số địa phương cho phép bán hàng trực tiếp song doanh số cũng giảm mạnh tới hơn 30% và chủ yếu vẫn phải trông chờ vào kênh online.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc trải nghiệm khách hàng và marketing FPT Retail, thông tin doanh số bán hàng online của doanh nghiệp tăng 15%-20% so với hồi đầu năm. Mặt hàng được chọn mua nhiều chủ yếu là laptop, các phụ kiện phục vụ học tập và làm việc tại nhà.
Tại Trung tâm Điện máy Thiên Hòa, bà Nguyễn Trần Thảo Nguyên nhận định mua sắm online đang là xu hướng. Do đó, doanh nghiệp đã đầu tư cho mảng online từ 3 năm trước nên khi dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống đã vận hành quen, phục vụ được lượng khách hàng mua sắm online hiện tăng mạnh đến 300% so với cuối năm ngoái.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến người dân càng có ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe. Không...